“Tôi dễ dàng hơn anh một chút”

PHAN HOÀNG 10/04/2020 13:01

Có cụ già may khẩu trang, có cụ góp hiện vật là mớ rau, cân gạo, chục trứng hay tiền từ con cháu biếu nhưng không dùng đến... Tôi đã rất xúc động khi đọc tin xem ảnh từ các câu chuyện ấy, mỗi ngày, nó ấm áp bao nhiêu trong những ngày lặng thinh mọi thứ vì phải cách ly toàn xã hội.

Nhưng rồi, ngày sau, ngày sau nữa, những tin như vậy được tăng cường độ, cách mô tả của báo chí có phần nghiêng về phía cổ xúy một cách quá đà. Như phản tác dụng. Tôi bắt đầu cảm giác như đau ở đâu đó. Năm cụ già neo đơn ở Cà Mau góp tổng cộng 23 triệu đồng từ tiền tích cóp mấy chục năm; cụ già ở Nghệ An, sống một mình nhờ vào trợ cấp chế độ người tàn tật góp 50 nghìn đồng từ tiền bán gà…

Một đồng nghiệp viết trên trang cá nhân, đưa vài con số như chi phí cho 1 ca xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19 khoảng 2 triệu đồng. Chi phí điều trị ca dương tính, chỉ riêng trang bị bảo hộ đã tốn tới 75 triệu đồng/ngày (cho 6 ca).

Nếu làm phép tính đơn giản thôi, cũng dễ thấy kinh phí rất tốn kém cho xét nghiệm và điều trị với chỉ riêng số ca dương tính là 251 (tính đến 6 giờ sáng ngày 9.4). Đó là chưa nói tới những thiệt hại vô cùng lớn của nền kinh tế; nên trong cuộc chiến này, phải cần sự chung tay của mỗi người dân.

Nhưng, dù nước ta còn nghèo, cơn khó khăn vì đại dịch còn dai dẳng nhưng có đến nỗi phải nhận tiền của cả những người yếu thế. Nên chăng, chỉ lấy tượng trưng cho các cụ vui vì họ được góp sức, dự phần vào công cuộc chung. Một bạn đọc chân tình “mong báo chí giảm dần lượng thông tin như vậy, nếu muốn gương mình vì mọi người lan tỏa mạnh mẽ hơn”.

Tôi chưa có con số thống kê trên cả nước. Nhưng tại Quảng Nam thôi, đến hết tháng 3.2020, số người mất việc gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.849 (tăng 140% so với cùng kỳ năm 2019). Đó chỉ là con số bề nổi ở một tỉnh lẻ. Ở các thành phố lớn khác, con số sẽ còn gấp bội. 

Bao nhiêu người khốn khó vậy mà giữa lúc này, Trung ương Hội Nhà báo lại có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, với một loạt đề nghị để “cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp”. Đọc nội dung kiến nghị được các báo đưa chi tiết, lại nghe cơn đau tấy lên.

Xin dẫn lại một chuyện cũ. William James – ký giả của tờ báo New York Times đã cải trang thành một người lang thang, nghèo khổ và què một chân. Anh đã trà trộn và sống với những người vô gia cư ở Miami, một thành phố ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ khoảng nửa năm để tìm hiểu cuộc sống của họ. Trong thời gian đó, anh luôn nhận được sự giúp đỡ, nhường lại chút may mắn, bữa cơm, chỗ ngủ từ những người nghèo khổ, tàn tật. Khi họ cho đi, họ luôn nói với anh, rằng: “Tôi dễ dàng hơn anh một chút”. Đó là bài học lớn nhất anh nhận được – những trái tim ấm áp. Và loạt bài của anh, càng nối dài tình yêu thương, sẻ chia đó.

Tôi không nói tất cả, nhưng phần lớn những người làm báo chắc chắn sẽ “dễ dàng hơn một chút” so với những cụ ông, cụ bà góp tiền ủng hộ chống dịch kể trên. Và nhà báo còn cần phải tự “dễ dàng hơn một chút” để góp phần thực hiện nhiệm vụ chống dịch kia mà. Xin đừng tạo ra những cơn đau xét lại.

PHAN HOÀNG