Cùng nhau vượt qua...
Như thường nhật, người dân vẫn đến bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) tập thể dục vào sáng 28.3, đến khi có các bài báo đồng loạt phản ánh, nhiều người mới giật mình về tình huống tụ tập đông người này.
Qua ngày hôm sau, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương lập chốt ngăn người dân xuống tắm biển và UBND tỉnh cũng có công văn yêu cầu tạm dừng các hoạt động công cộng từ ngày 29.3 đến 14.4 để phòng Covid-19. Phản ứng với những tình huống như thế được xem là nhanh nhạy, cần thiết để công tác phòng chống dịch Covid-19 đem lại hiệu quả cao hơn, và một khía cạnh khác cũng cho thấy cộng đồng giờ đây phải “hy sinh” nhiều hơn để cùng góp sức phòng chống dịch.
Thực ra tình huống tụ tập đông người ở bãi biển Tam Thanh có rất nhiều “tình tiết giảm nhẹ”. Cụ thể, dù tập trung đông người nhưng không gian bãi biển rộng rãi chứ không như quảng trường hay chợ búa. Gió từ biển cũng rất mạnh, lại mang hơi mặn, được cho là ít nguy cơ lây nhiễm hơn những nơi khác. Hơn nữa, người dân tập trung đông người để tập thể dục, đó là thói quen tốt lâu nay chứ không phải tập trung để ăn chơi nhảy múa... Vậy nhưng, những “tình tiết giảm nhẹ” này không được xem xét trong “phán xét” của dư luận. Nhiều người sau khi đọc báo đã nặng lời với người dân tắm biển. Và đáng nói hơn, dưới bài phản ánh tình huống này, nhiều tờ báo vẫn cho chạy những comment thô tục khiến nhiều người bức xúc. Phòng chống dịch kiểu chửi bới như thế chỉ khiến cho cộng đồng tổn thương thêm thôi!
Dịch Covid-19 đang gây “tổn thương” ngày càng nặng nề hơn cho cộng đồng xã hội, nhất là ở lĩnh vực kinh tế. Những người làm dịch vụ nhỏ như phục vụ tắm nước ngọt ở bãi biển Tam Thanh phải đóng cửa; công nhân, tài xế, những người làm công ăn lương... thu nhập bữa được bữa mất và xác định phải tồn tại dai dẳng với khó khăn. Hình ảnh khắc khổ của nhiều người bán vé số, hay những người vô gia cư, hoặc lao động tha phương sống chật vật trong căn phòng trọ ở các thành phố lớn... tạo xúc cảm mạnh cho xã hội trong những ngày qua, cho thấy cường độ tác động của dịch bệnh đang ngày càng mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta những năm qua được cải thiện, nhưng khoảng cánh giàu nghèo trong cộng đồng nới rộng ra, cũng là yếu tố đáng quan tâm về khả năng “cầm cự” với dịch bệnh của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Tình cảnh chung trong lúc này là ở nhà, là “ngủ đông” nên ngoài tổn thất về kinh tế, tâm lý của cộng đồng cũng trở nên bức bí hơn. Nhiều người không vui vẻ gì với việc rảnh rỗi, đặc biệt là rảnh rỗi vì mất việc. Thế nhưng đừng vì “rảnh rỗi mà sinh nông nổi”, hãy dành năng lượng cho những hoạt động tích cực. Trên mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ về các bí quyết vượt qua những ngày nhàm chán, như một kiểu kích thích nội năng. Qua mạng xã hội, nhiều người cũng kêu gọi và tổ chức các hoạt động chia sẻ khó khăn với cộng đồng... Đó là nguồn năng lượng tốt, cùng với những giải pháp của Nhà nước sẽ tạo thêm động lực để xã hội vượt qua giai đoạn khó khăn này.