Đã đủ để văn minh!?
Một thông tin không mấy vui vẻ vừa được Microsoft đưa ra: Việt Nam có tên trong top 5 quốc gia có chỉ số cao nhất về DCI (chỉ số đánh giá ứng xử văn minh trên không gian mạng). Vấn đề nằm ở chỗ, chỉ số này càng cao, mức độ văn minh trên không gian mạng của quốc gia đó càng thấp.
Có một chi tiết đáng lưu ý, khảo sát này được thực hiện tại 25 quốc gia (Việt Nam có 500 trường hợp tham gia lấy ý kiến). Kết quả được tổng hợp dựa trên cảm nhận, đánh giá của người được khảo sát. Tất nhiên, ý kiến khảo sát hay kết luận đó chưa đủ luận cứ khoa học và tính khách quan. Còn đặt vấn đề ở hướng ngược lại, bỏ qua hồ nghi cũng như phiền toái vì những gì người ta đánh giá về mình, vẫn có câu hỏi đặt ra, không chỉ bây giờ, đã nhiều năm rồi. Đó là Việt Nam chúng ta khi tiếp cận, sử dụng và ứng xử trên không gian mạng đủ phù hợp hay văn minh chưa?
Định lượng từ kết quả thống kê, chỉ ra rằng quan hệ tình cảm, giới tính, ngoại hình là những vấn đề gặp phải những ứng xử không (và chưa được) văn minh nhiều nhất. Thêm vào đó, những hành vi gây tổn thương bao gồm chuyện kỳ thị phụ nữ, làm tổn hại uy tín nghề nghiệp, công kích cá nhân, phân biệt đối xử giữa con người với nhau. Liệt kê nghe có vẻ lùng bùng nhiều thứ như thế nhưng tựu trung tất cả cái gọi là “thiếu văn minh” ấy có thể dồn lại ở những hành vi, cách hành xử thiếu tôn trọng người khác của một bộ phận trong cộng đồng.
Chúng ta đã quá quen tai và phải đón nhận những cụm từ “tay nhanh hơn não”, “cộng đồng mạng dậy sóng” khi mỗi thông tin hoặc vấn đề nào đó được “trương” lên trên không gian mạng. Một hình ảnh nhạy cảm, một đoạn phim tế nhị, một dòng trạng thái thiếu kiểm soát sẽ được nhìn nhận, săm soi, đánh giá và quy kết bất kể đúng sai hay chưa biết sự thật là gì.
Có thể thấy mạng xã hội ngày nay đã trở nên phổ biến, thậm chí trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của những người trẻ tuổi. Thực tế cũng đã chứng minh rằng một bộ phận người trẻ đã dành quỹ thời gian trong ngày cho mạng xã hội quá lớn, để rồi hệ lụy đã xảy ra với cái gọi là tình trạng “nghiện” mạng xã hội đã bắt đầu phổ biến hơn. Không gian mạng xã hội rõ ràng cũng tổng hợp, phản ảnh những chiều kích khác nhau của cuộc sống thường ngày. Mạng “ảo” nhưng người không “ảo”.
Những phiền toái hay vội vã của nhịp sống hiện đại. Những giao thoa văn hóa đa chiều từ trầm vỉa khác nhau. Hay tâm thế chứ đủ tĩnh lặng để tiếp nhận và cảm nhận mỗi hiện tượng sự việc xảy ra. Tất cả được coi như lý do chúng ta đối xử với tiện ích và không gian mạng một cách vồn vã nhưng hời hợt, nhanh chóng nhưng dễ dãi. Để rồi phát sinh ra chuyện ứng xử chưa chuẩn chỉnh, không đúng mực hay “thiếu văn minh”. Cho nên vẫn nghe những cảm thán nếu không nói được gì tử tế, nghĩ được điều tích cực thì nên giữ im lặng, tế nhị và tôn trọng mọi người.
Khái niệm văn minh có thể mơ hồ, rất phức tạp. Nhưng, nó hoàn toàn có thể được tiếp cận một cách giản đơn. Sự giản đơn đó dựa trên những tự chủ, biết nhìn nhận và biết nghĩ suy của mỗi người chúng ta. Ở đó cần tĩnh lặng, lắng sâu, không nhất thời hay dễ dãi.