Trách nhiệm của người lớn
Tôi ngạc nhiên khi cậu con trai lớp 2 tâm sự rằng lớn lên cậu sẽ làm Youtuber. Cu cậu còn nói rành rẽ về nhiều cách kiếm tiền của một YouTuber (người sản xuất và chia sẻ nội dung lên kênh YouTube) và cho ví dụ về những kênh cậu đã xem.
Được nghỉ học vì dịch Covid-19, mặc dù cô giáo chủ nhiệm thường nhắc phụ huynh chăm sóc học sinh và khuyến cáo không nên để các em dành quá nhiều thời gian chơi game, xem ti vi nhưng thú thật tôi chỉ ráo riết được vài hôm, về sau càng lơi lỏng dần. Chuyện con nít ôm ti vi, smartphone mỗi khi có cơ hội không lạ gì, song chỉ mấy tuần được nghỉ học mà con trai của tôi đã thay đổi “ước mơ” thì thật đáng lo. Thật ra tôi đang quan tâm đến trách nhiệm của mình.
Nhưng có thể xem xét vấn đề theo cách tích cực hơn, rằng liệu tôi có thể xem “ước mơ” ấy của con mình là chính đáng khi YouTuber cũng là nghề hẳn hoi, gắn một chút với cuộc cách mạng công nghệ số đang là xu hướng của xã hội? Ước mơ của trẻ nhỏ chỉ là “hoang sơ” thôi, nhưng cũng nên quan tâm bởi thường đó là suy nghĩ, lời nói thật được thốt ra sau những gì trẻ quan sát, trải nghiệm được từ thế giới xung quanh. Những chia sẻ của trẻ, nếu không nhận được sự giải thích kịp thời, hợp lý từ người lớn thì có khi sẽ đánh mất niềm tin, hoặc khiến các em tiếp tục tò mò, đeo đuổi ý nghĩ theo hướng tiêu cực... Nhưng phải nói gì đây để không gieo cho các em những mối bận tâm khác, hay phải dùng đến biện pháp ngăn cấm như nhiều phụ huynh đã làm? Thật là khó, nhưng đó là trách nhiệm của người lớn đối với con trẻ.
Cũng liên quan đến YouTuber, tôi lại ngạc nhiên khi đọc được bức thư UPU viết mới đây của cậu học sinh THCS, mách rằng “bác bộ trưởng truyền thông phải ngăn chặn các kênh YouTuber không phù hợp, một số kênh có nội dung triệu hồi ma quỷ và đăng những hình ảnh đáng sợ...”. Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 khá thú vị: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống”. Lá thư mách “bác bộ trưởng” dù không phải là thông điệp gì rõ ràng, nhưng có thể nói “thế giới” mà trẻ em cảm nhận và mong muốn, lại từ những điều đơn giản mà có khi xã hội phải đặt ra trách nhiệm nặng nề với mục tiêu dài hơi mới giải quyết được; trong đó giáo dục được xem là cứu cánh.
Nghỉ học đột ngột mấy tuần, nhiều phụ huynh bối rối ngay với những tình huống đơn giản về sự tương tác với trẻ con trong một môi trường xã hội cụ thể. Bởi thế, mới thấy trường học quan trọng như thế nào. Không phải tự dưng có nhiều phụ huynh phản ứng khi con cái bị nghỉ học đột ngột, bởi có lẽ họ cảm thấy gánh nặng của mình từ nhà trường “trút” sang. Rồi trước thời điểm cho học sinh tới trường trở lại, ngành giáo dục của tỉnh có lẽ đã cảm nhận được gánh nặng trách nhiệm của mình nên trưng cầu ý kiến phụ huynh. Dư luận cho rằng nếu để nắm bắt nguyện vọng của phụ huynh thì cũng cần nên hỏi, nhưng nếu để quyết định việc học sinh có tới trường trở lại thì câu trả lời phải từ những người có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho xã hội.
Trách nhiệm của người lớn, giờ đây hết sức nặng nề, cả khi trẻ ở trường và ở nhà. Đừng sợ hãi và trút nó đi đâu cả, nhất là trong bối cảnh chống dịch như chống giặc hiện nay.