Trăn trở sản xuất sạch

HÀ QUANG 19/02/2020 11:19

Tôi vừa có dịp ngang qua một làng quê của huyện Phú Ninh. Nơi đây phong cảnh quá hữu tình, làng xóm men theo chân đồi, trước mặt là con đường bê tông uốn lượn như một đường viền rẽ lối giữa nhà cửa và cánh đồng bạt ngàn. 

Tuy nhiên, sau những lời tấm tắc của tôi, một lão nông nói giọng buồn buồn: đẹp thì có đẹp nhưng mùa nồm lên là chịu không nổi bởi mùi thuốc trừ sâu ngoài ruộng hắt vào nhà... Thật đáng tiếc, một làng quê nên thơ như thế đã không giữ được không gian sống trong lành!

Thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong các câu chuyện như vậy. Mà chính nông dân là người thường chủ động nói đến. Họ là những người “ôm” cả đầu vào lẫn đầu ra nông sản nên vấn đề sản xuất sạch có vẻ là nỗi trăn trở thường trực. Khi bắt tay vào sản xuất “bẩn”, không ít người cho biết cảm thấy áy náy nhưng chấp nhận vậy. Ngay cả những người “khôn lõi”, chỉ trồng một ít lúa hoặc luống rau sạch dành cho gia đình sử dụng cũng không hết lo bởi còn bao nhiêu thứ mắm muối, thịt cá, củ quả... khác không sạch mà hằng ngày họ phải sử dụng. Có muốn cũng tránh không được!

Thậm chí nông dân bây giờ còn “cãi” rằng, tôi không thể bị áp đặt tư duy sản xuất sạch khi đời sống kinh tế còn khó khăn, nhất là giá trị sản phẩm nông nghiệp vẫn bèo bọt so với các mặt hàng khác. Rằng nghề nông còn thua thiệt so với bao nhiêu thứ nghề. Một ang lúa sạch, một mớ rau sạch của tôi chẳng giải quyết được chuyện gì vì sản xuất nhỏ lẻ, thị trường bấp bênh và cả thói quen... sử dụng thực phẩm bẩn của nhiều người. Thế nhưng tôi không thể liên kết, tôi không thể đầu tư lớn, không thể tạo niềm tin với người mua rằng đây là sản phẩm sạch. Trong khi đó những cơ chế kiểm soát của Nhà nước về sản xuất sạch lại thiếu thống nhất, lỏng lẻo, thậm chí bất lực.

Gần đây, nhiều mô hình sản xuất sạch được triển khai, chuỗi thực phẩm an toàn cũng được phát động xây dựng nhưng kết quả như đã thấy, không nhiều mô hình thành công. Kể cả các dự án có sự tài trợ về kinh phí để sản xuất sạch, nhiều mô hình vẫn không trụ nổi. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, mới có khoảng 30% sản phẩm sản xuất theo chuỗi được tiêu thụ theo hợp đồng. Một lượng lớn còn lại phải tiêu thụ qua chợ đầu mối, các kênh bán lẻ, giá cả phải cạnh tranh với sản phẩm thông thường khiến người dân nản lòng không mở rộng sản xuất. Bởi vậy không thể trông chờ vào ý thức của người sản xuất, đặc biệt là nông dân khi chính họ là “nạn nhân” trong hầu hết chuỗi nông sản, thực phẩm.

Một vấn đề khác không liên quan, nhưng lại được nhiều người liên tưởng khi nói về nông thôn - nông nghiệp - nông dân, rằng làng quê đang “vỡ” ra. Nhưng chủ yếu lại đề cập chuyện đô thị hóa, chuyện “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” chứ ít thấy đề cập sự “vỡ” ra do phương thức sản xuất. Những cánh đồng tôm, những cánh đồng lúa, rau củ quả được cho là vẫn loay hoay trong sự cằn cỗi, xáo trộn của đất đai và trong bóng dáng nhọc nhằn của nông dân với nỗi trăn trở sạch hay không sạch. Lẽ ra sạch là điều đương nhiên chứ, sao phải trăn trở?

HÀ QUANG