Lễ hội vắng, hay vắng gì trong tâm?
Báo Tuổi Trẻ ngày 10.2 đăng một bài tường thuật “thú vị”. 3.000 khán giả bịt khẩu trang xem một show ca nhạc ở Hà Nội. Theo đó, nhiều biện pháp phòng ngừa cẩn thận đã được áp dụng. Phòng gì ư? 2019-nCoV! Những ngày này có thể nói gì mà không đụng chạm đến con virus ghê gớm đó được sao?
Nào là khẩu trang, sát trùng tay tại cửa vào, đo thân nhiệt, mở máy lạnh khán phòng ở 270C suốt 3 ngày, sẵn sàng đội y tế xe cấp cứu bên ngoài v.v. Tất cả đó dành cho 3.000 người thưởng thức một đêm nhạc với các ca sĩ được yêu thích.
Bài báo cũng cho biết đây là một trong 2 show còn trụ lại được để tổ chức. Nghĩa là tất cả sự kiện “tập trung đông người” đã hầu như vắng bóng trong sinh hoạt thủ đô! Không chỉ thủ đô, mà ở các địa phương khác, những “vùng đất lễ hội” vốn không thể kể hết tên ngay trong tháng Giêng “ăn chơi” này, đều rã đám im hơi vì “cô Vy” - cái tên hóm hỉnh mà nhiều người đặt cho con virus chủng mới Corona. Dĩ nhiên, để tất cả có thể diễn ra thì ít nhất cũng cần phải đáp ứng vài tiêu chuẩn phòng dịch như bài báo nêu trên, nhưng đó rõ ràng là điều bất khả.
Sự vắng vẻ các sự kiện lễ hội, cũ đến hàng trăm năm, hay mới được bày biện trong vài năm qua… trên các tường thuật báo chí, có khiến ai đó cảm thấy thiếu không? Những sự kiện “văn hóa dân gian” thường được coi là hơi thở của đời sống tinh thần cộng đồng, là nơi kế thừa phát huy những nét đẹp tinh túy của truyền thống dân tộc. Lẽ ra đó là nơi người ta háo hức hướng về, tắm mình trong bầu văn hóa “đậm đà bản sắc”, dù chỉ là qua những bản tin trên báo đài, qua sự chia sẻ không khí nồng nã chung của đất nước vào mỗi mùa hội.
Vậy mà, mùa hội năm nay bỗng dưng bặt mất âm hao. Nếu điều đó không khiến người ta hụt hẫng, thì phải nhận rằng, những gì chúng ta nhìn thấy, tiếp nhận từ nguồn năng lượng lễ hội thời gian qua, đã lạc khỏi cái hướng đích tốt lành vốn dĩ. Nhớ lại, thì ra trước đây, những gì người ta đọc được về các loại lễ hội, bên cạnh sự tinh tuyền của hồn cốt cha ông, thì cái tỷ lệ những yếu tố “phản văn hóa” dường như chiếm phần khuynh loát. Khiến cho cái nhìn cái cảm và cái thẩm thấu “văn hóa lễ hội” của chúng ta dần dà bị biến đổi, dung tục và tiêu cực dần đi! Chẳng vậy mà hàng năm đến hẹn, lại có hàng loạt bài báo “tố cáo” những cuộc lễ hội “không giống ai”, vừa lãng phí, hỗn độn lại đẫm mùi thế tục.
Có phải khi vắng đi mùa hội, chúng ta thấy nhẹ nhõm hơn vì không phải đọc thấy những tin tức đó? Và nó che mờ luôn cái hụt hẫng khao khát một nhu cầu tâm linh, là được nhúng mình vào đời sống tinh thần của dân gian ngàn đời?
Có lẽ, trong khi phải lo lắng đối phó với “cô Vy” đáng sợ, chúng ta cũng nên dành chút tương tư về một khía cạnh như vô hình, lại vô tình lộ ra trong một mùa đại dịch.