Barie cho lòng trắc ẩn
Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh vừa ra văn bản khuyến khích người dân thành phố không trực tiếp cho tiền người ăn xin trên đường phố. Thay vào đó, nếu muốn giúp đỡ người già có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người nghèo thì nên thông qua các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, các tổ chức từ thiện của thành phố.
Đọc văn bản và nhìn những hình ảnh được đồng nghiệp ghi lại trên Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, rõ là việc quản lý người ăn xin trên địa bàn thành phố thật khó. Tại các ngã tư, trẻ bu bám cánh cửa ô tô xin tiền, phụ nữ bồng bế trẻ nằm ngồi la liệt tại các giao lộ…
Đây không phải chuyện mới mà là chuyện muôn năm cũ.
Cách đây hơn 20 năm, năm 1998 khi tôi vào Sài Gòn thi đại học. Chiều đó, cậu tôi dẫn ra tiệm ở vỉa hè ăn cơm tấm. Chưa kịp ngồi xuống ghế đã thấy 2 đứa trẻ nhem nhuốc bước tới, ngửa mũ nói “cho em ít đồng ăn cơm”. Nhìn vào đôi mắt rơm rớm tội nghiệp của em, tôi lật đật mở túi xách cho ngay mà không chút suy nghĩ. Cậu tôi xuýt xoa: “Trời ơi, con có đủ tiền cho không, sắp có chục đứa nữa đó. Ở đây không phải quê mình, lần sau…”. Cậu chưa dứt câu nói, tôi nhớ cả thảy có thêm 5 đứa nữa quây lại. Tôi chưng hửng, ngồi im không dám rục rịch và đó là ký ức vụn của đứa nhà quê lần đầu lên phố.
“Sự khuyến khích” đó của Sở LĐ-TB&XH, là nỗ lực trong việc quản lý người vô gia cư, vì bộ mặt thành phố và quan trọng hơn là vì chính người vô gia cư cũng như đối tượng yếu thế khác. Đáng tiếc là cách làm của TP.Đà Nẵng cách đây cả chục năm nhằm hạn chế thấp nhất người ăn xin trên địa bàn có lẽ các thành phố lớn khó nghiên cứu áp dụng vì mỗi nơi có đặc thù khác nhau. Nhưng những nhà quản lý xã hội, phải có cách khác hiệu quả hơn chứ không thể nêu hàng trăm lý do mà ai cũng phải thốt lên “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.
Ở những thành phố lớn mà tôi có dịp ngang qua, như Melbourne, Sydney, Hồng Kông đều có người ăn xin. Họ ăn mặc có vẻ tuềnh toàng nhưng không nhếch nhác, họ im lặng ngồi một chỗ ở góc đường nào đó, trước mặt là cái bát (hoặc rổ); không chèo kéo, không năn nỉ, không lê la khắp hang cùng ngõ hẻm. Và đặc biệt, chỉ có người lớn tuổi, không hề có trẻ em.
Nơi tôi sống, cũng như nơi bạn sống, bất kỳ đâu đều có người ăn xin (tỉnh lẻ thì tất nhiên chưa đến mức “tràn cả ra đường phố và gần như mất kiểm soát” như ở TP.Hồ Chí Minh). Mỗi lúc có người ăn xin ngang qua, ngửa tay, tôi vẫn thói quen mở ví; đôi lúc cũng dừng lại và im lặng khi nhận ra gương mặt người ăn xin đó quen quá, vì ngồi quán nào cũng gặp.
Nên, chuyện không còn người ăn xin là điều bất khả. Nhưng, để đến nỗi phải bó buộc cả thứ tình cảm yếu ớt nhất của con người – lòng trắc ẩn, thì chúng ta sẽ phải mệt nhoài giải thích với chính mình và phải dạy con cái cân đo cả chút tình cảm tự nhiên khi cho đi. Lòng trắc ẩn của con người, lại phải cố gắng mà dừng lại, mà loay hoay suy tính “ờ, bọn trẻ bị những kẻ xấu chăn dắt, bóc lột đó”, hay “ờ, đám ăn không ngồi rồi đó, họ hành nghề đó”, vân vân và vân vân, thì quả tội nghiệp cho cuộc sống của chúng ta.