"Thất thủ"
(QNO) - Ngày 11.12, trời ngớt mưa nhưng nhiều khu vực ở TP.Tam Kỳ vẫn còn ngập trong nước; một số tuyến phố tiếp tục ngâm nước với mức xe máy khó vượt qua nên giao thông ách tắc... Vài tờ báo gọi tình trạng này là “thất thủ”, như thể “đòn tấn công” của nước lụt quá mạnh tay, khó đỡ, còn sự xoay xở của người dân thì ở thế bị động, bất lực. Trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh về cảnh hối hả dọn đồ đạc, co cụm giữa bể nước lênh láng, ngầu đục. Trạng thái chung của cộng đồng bị ngập lụt biểu hiện qua các trang cá nhân là bất ngờ bởi mưa lớn kéo dài và mức ngập sâu kỷ lục, nước lên nhanh và lâu thoát. Nhiều người còn cho biết mức nước ngập vào nhà còn sâu hơn cả năm 1999...
Đô thị Tam Kỳ từng “mang tiếng” là “chưa mưa đã ngập”. Đặc biệt ở tuyến chính Phan Châu Trinh kéo dài qua Phan Bội Châu, trước đây chỉ cần cơn mưa hơn nặng hạt là nước ngâm trên phố, dù ưu thế là đường rộng rãi, vỉa hè thông thoáng, gần sông... Vài năm gần đây, các công trình hệ thống thu gom, thoát nước được triển khai xây dựng, đã cải thiện được một phần tình trạng ngập nước cục bộ và đợt mưa lớn vừa qua là phép thử, tuy hơi quá sức nhưng có thể nhìn nhận hệ thống này vẫn chưa mấy hoàn hảo. Tuy nhiên, cũng khó mà trách được bởi tình trạng ngập nước còn ở nhiều lý do, muốn khắc phục thì hạ tầng phải đồng bộ, liên kết nhiều khu vực, nhất là các công trình được xây dựng cần phải tính đến “nhu cầu đi đứng” của nước. Hiện tượng “thất thủ” như đã nói lâu nay thường diễn ra ở các thành phố lớn, nhưng nếu tình trạng ấy diễn biến phức tạp ở Tam Kỳ thì có thể phải cần thêm một bài toán, cũng quan trọng như giải quyết kế mưu sinh bền vững cho người dân nội đô ở một thành phố loại 2, và... hơn thế nữa!
Rơi vào thế thất thủ, mấy ngày qua báo chí cũng đăng tải ăm ắp hình ảnh về cảnh vật lộn mua vé xem bóng đá trận lượt về giữa Việt Nam và Malaysia ở giải AFF Cup. Để hạn chế cảnh chen lấn diễn ra như lâu nay, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã áp dụng hình thức bán vé trực tuyến, nhưng các trang mạng được mở ra thường lâm vào cảnh “ò í e”, mua được tấm vé là trường hợp may mắn. Một kỹ sư công nghệ thông tin khi khám phá các trang bán vé trực tuyến của Liên đoàn Bóng đã Việt Nam đã phát hiện các trang này đang chứa nhiều “mã độc”, từ năm 2016, dù đã được cảnh báo sẽ gây nhiều nguy cơ, nhất là với thông tin cá nhân người truy cập, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được khắc phục. Trong khi cổng điện tử bán vé trực tuyến vận hành không hoàn hảo, thì ở chiếc cổng của trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, tình trạng thất thủ đã thật sự xảy ra. Nhiều người xông vào trụ sở, lấy “nhãn mác” là thương binh hăm dọa vì không mua được vé. Cộng đồng mạng đã nghi ngờ tình yêu bóng đá của họ, nhưng cũng khó trách được bởi việc vận hành một hệ thống phục vụ những tín đồ của môn túc cầu thì lại phải cần sự đồng bộ về quản lý, đầu tư hiệu quả, trong khi hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được đánh giá là không mấy mạch lạc.
Không ai muốn rơi vào thế thất thủ, nhưng rất khó tránh bởi đó lại là một nửa kết quả của mỗi cuộc đối kháng. Dẫu vậy, thất thủ ở một cuộc đối kháng được xem là “đẳng cấp, chuyên nghiệp” thì có phần dễ chịu hơn!
MINH ĐỨC