Bài học của thiên nhiên

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 16/10/2017 10:21

(QNO) - Theo tài liệu của Sở Kiểm lâm Đông Dương (chính quyền thực dân Pháp), năm 1943 diện tích rừng ở nước ta có khoảng 13,5 triệu héc ta. Trước đó, vào năm 1930, diện tích rừng cả nước là 14,2 triệu héc ta. Như vậy sau 13 năm, cả nước đã mất đi 700 nghìn héc ta rừng! Bình quân mỗi năm mất hơn 50 nghìn héc ta (theo Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp - CRNS).

Đến năm 1980, theo thống kê của ngành lâm nghiệp, cả nước chỉ còn lại 9,9 triệu héc ta. Nghĩa là đã mất thêm 3,6 triệu héc ta rừng trong chỉ 37 năm, bình quân 100 nghìn héc ta mỗi năm! So sánh hai con số về diện tích rừng mất bình quân hàng năm này, ta thấy càng về sau, diện tích rừng đã mất tăng lên gấp đôi thời gian trước đó.    

Con số diện tích rừng bị tàn phá càng về sau càng trầm trọng hơn mà theo các nhà phân tích là do 3 nguyên nhân: chiến tranh, nạn đốt rừng làm rẫy, phá rừng bừa bãi để lấy gỗ và lấy đất trồng các loại cây công nghiệp (do tình trạng di dân ồ ạt lên Tây Nguyên chẳng hạn). Chương trình trồng mới 5 triệu héc ta rừng gần đây kèm với nhiều biện pháp bảo vệ rừng, như giao đất giao rừng cho dân quản lý, đóng của rừng… theo các báo cáo đã mang lại một số kết quả. Đến năm 2000, cả nước đã nâng tổng diện tích rừng lên 10,88 triệu héc ta, trong đó rừng trồng lên đến gần 1,4 triệu héc ta. Tuy vậy, thông tin hàng ngày trên báo chí về nạn phá rừng, cháy rừng, về những hành vi nguy hiểm của lâm tặc ở khắp nơi và có cả sự cấu kết, thông đồng của nhân viên kiểm lâm với lâm tặc… đang đặt ra nhiều vấn đề bức bách trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên rừng ở tầm vĩ mô.

Ai cũng biết chính độ che phủ rừng bị suy giảm là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt và sạt lở đất đai triền miên. Lũ lụt ngày càng có tần suất cao hơn, lưu tốc và sức công phá lớn hơn; kể cả hiện tượng lũ ống lũ quét rất nguy hiểm. Thiệt hại về người và của càng trầm trọng hơn đã tạo ra một chuỗi hệ quả tất yếu mà chúng ta đang gánh chịu.

Bài học từ thiên nhiên - bài học từ sự ứng xử không đúng mực với thiên nhiên vậy là đã rõ. Không chỉ những trận lũ, lở đất, ngập lụt vừa xảy ra ở Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh miền Bắc sau trận bão số 10 vừa qua, mà các trận lụt lớn từ những năm 1980, 1999, 2000, rồi liên tiếp 4 trận lũ nối đuôi nhau trong tháng 10-11.2007, rồi những trận lụt và lũ quét khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung trong năm 2008 với nhiều thiệt hại về người và của - kể cả cơ sở hạ tầng mới được xây dựng - đã chứng minh thêm điều đó và thật sự là một sự cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta!

Tại Quảng Nam, chỉ riêng trên hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia, kết quả nghiên cứu thực địa của các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Huế cho thấy hiện tượng xói lở chỉ trong cự ly 36km vùng hạ lưu trong thời gian qua là hết sức trầm trọng, trong đó có nhiều nơi đã mất đi 30-40m đất trồng trọt dọc các triền sông. Hàng trăm nhà cửa dọc các bờ sông cũng chung số phận. Riêng việc dịch chuyển về phía nam đến 200m và bồi lấp cửa sông ở Cửa Đại cũng đã để lại nhiều hậu quả lâu dài về kinh tế, dân sinh lẫn bảo tồn di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và khu sinh quyển thiên nhiên hạ lưu Thu Bồn...

Nghĩ cho cùng, cùng với tần suất và sức công phá tăng lên của lũ lụt hàng năm, việc lở sông, lở núi là hệ quả tất yếu. Và “căn nguyên” sâu xa chính là nằm ở thái độ ứng xử với thiên nhiên rất tắc trách lâu nay của con người! Bài học từ thiên nhiên chính là chúng ta cần phải giữ cho được thế cân bằng và thích ứng với các quy luật của thiên nhiên để phát triển. Nếu không, mọi sự tốn kém và mất mát về con người do thiên tai sẽ còn tiếp tục. Những tổn thất không thể bù đắp ấy như một nhát dao cứa vào da thịt dân tộc cứ mỗi khi mùa mưa lũ tràn về! 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG