Xử lý Vi phạm chất lượng, nhãn hàng hóa:Lúng túng vì chưa có nghị định hướng dẫn
Từ ngày 1.7.2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, do chưa có nghị định hướng dẫn chi tiết nên cơ quan chức năng hiện rất lúng túng khi xử lý vi phạm vì chất lượng, nhãn hàng hóa.
Nhiều sai phạm
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, 6 tháng đầu năm 2013, tổng số vụ kiểm soát mà Chi cục QLTT tỉnh đã thực hiện là 2.250 vụ với tổng số tiền phạt vi phạm trên 3,7 tỷ đồng, bằng 86,8% so với cùng kỳ năm 2012. Lỗi vi phạm hoạt động kinh doanh phổ biến là: không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (110 vụ); kinh doanh không đúng nội dung, mặt hàng đã đăng ký (20 vụ); không cung cấp đầy đủ chứng từ, tài liệu liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (740 vụ); không đảm bảo điều kiện kinh doanh (30 vụ); không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu thuốc lá (35 vụ)… Bên cạnh lỗi vi phạm về việc không cung cấp đủ chứng từ, tài liệu thì lỗi vi phạm về nhãn mác hàng hóa chiếm tỷ lệ cao với 136 vụ. Ông Lương Viết Tịnh – Đội trưởng Đội quản lý chống buôn lậu và chống hàng giả (Chi cục QLTT tỉnh) cho biết: “Ở lỗi vi phạm nhãn mác hàng, trên địa bàn tỉnh, người buôn bán thường ghi nội dung không đúng quy định, nhãn rách mờ, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ, nhãn phụ ghi không đầy đủ các nội dung trên hàng hóa như tên hàng hóa bằng nước ngoài, ghi thiếu hướng dẫn sử dụng, thiếu ngày sản xuất, hàng nhập khẩu thiếu tên hàng hóa bằng tiếng Việt…”.
Cơ quan chức năng thực hiện nhiều đợt kiểm tra chất lượng, nhãn hàng hóa trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: C.T.A |
Trong số hàng loạt vụ vi phạm bị xử phạt trong 6 tháng đầu năm, nổi lên một số vụ điển hình. Ngày 7.5.2013, Đội QLTT số IV (Thăng Bình) phối hợp với Công an huyện Thăng Bình đã kiểm tra ô tô BKS 30F-7544 do ông Nguyễn Ngọc Hải (trú Lê Chân, Hải Phòng) điều khiển có vận chuyển hàng cấm kinh doanh là thuốc lá điếu hiệu 555 nhập lậu với số lượng 6.880 gói. Ngày 16.5, Chi cục QLTT tỉnh đã tiến hành lập hồ sơ và chuyển UBND tỉnh ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Ngọc Hải với số tiền 100 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số thuốc lá nêu trên để xử lý theo quy định. Trước đó, ngày 17.3, Đội QLTT số XI (Bắc Trà My – Nam Trà My) đã phát hiện chủ hàng là bà Phạm Thị Thành và lái xe là ông Dươn Văn Thanh cùng trú tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An vận chuyển 313 gói bột giặt OMO giả (180kg) các loại đem tiêu thụ tại địa bàn huyện Bắc Trà My. Đội đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm theo quy định. Cùng thời gian trên, Đoàn kiểm tra liên ngành 127 tỉnh kiểm tra, phát hiện Doanh nghiệp tư nhân Lê Bin (xã Đại Thắng, Đại Lộc) có hành vi tự ý phá bỏ niêm chì trong phương tiện đo và điều chỉnh giá bán trên bảng điện tử cao hơn giá Nhà nước quy định. UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng…
Khó xử lý
Thực tế các đợt kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành các quy định về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, nhãn hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa thời gian qua có những chuyển biến đáng kể. Những vụ vi phạm lớn về nhãn mác hàng hóa mà Chi cục QLTT tỉnh phát hiện và xử phạt đều đang ở trong tình trạng lưu thông, tức là phát hiện khi phương tiện giao thông chở hàng sai phạm đi ngang qua địa phận tỉnh; ít phát hiện ở tình trạng tiêu thụ hàng hóa, nếu có thì số lượng nhỏ, không đáng kể. “Hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng thiếu trọng lượng, hàng quá đát, quá hạn sử dụng không xuất hiện phổ biến như các năm trước. Trật tự kỷ cương trong kinh doanh thương mại được thiết lập, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, hỗ trợ cho sản xuất trên địa bàn tỉnh phát triển” - ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho hay. Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở kinh doanh hàng hóa không đạt yêu cầu về đo lường, nhãn hàng hóa ghi chưa đầy đủ, đặc biệt là tình trạng sử dụng phương tiện đo dùng trong mua bán nhưng không kiểm định định kỳ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng.
Theo ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, lâu nay lực lượng QLTT xử lý các vi phạm về chất lượng, nhãn hàng hóa theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi bổ sung năm 2008. Tuy nhiên, từ ngày 1.7, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thi hành nên lực lượng QLTT gặp khó khăn trong khâu xử lý, nhất là không biết nên căn cứ vào đâu để thực hiện các lệnh kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng, nhãn hàng hóa. |
Tuy nhiên, vấn đề vừa nảy sinh trong thời gian gần đây lại xuất phát từ chính sách, pháp luật trong quản lý, xử phạt vi phạm hành chính. Ông Lê Cần – Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh cho biết: “Hiện nay, Chi cục QLTT đang tạm dừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên địa bàn do gặp khó trong khâu xử phạt hành chính. Bởi Luật Xử phạt vi phạm hành chính bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7, nhưng các điều khoản xử phạt vi phạm hành chính lại căn cứ theo pháp lệnh đã không còn giá trị. Ấn lệnh không có, làm việc biết căn cứ vào đâu?”. Trong khi đó, nhận thức của người kinh doanh và sự am hiểu của người tiêu dùng đối với các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực chất lượng, nhãn mác hàng hóa còn hạn chế. Đơn cử như mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em dù không được gắn chứng nhận chất lượng, dấu hợp quy nhưng rất nhiều người tiêu dùng vẫn vô tư dùng. Khi xảy ra chuyện mới vỡ lẽ và đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng tuy ra mắt được một thời gian nhưng vì không có kinh phí, công cụ nên hoạt động mờ nhạt, không thể hiện vai trò bảo vệ người tiêu dùng...
CHIÊU THỤC ANH