Quyền lợi thiết thân

DIỄM LỆ 01/07/2013 09:15

Tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) dần trở thành thói quen khi người dân nhận ra rằng đó là quyền lợi thiết thân. BHYT ngày càng có vị trí quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân, khẳng định tính cần thiết của nó trong hệ thống an sinh xã hội.

Lợi ích thiết thực

Một gia đình với 8 nhân khẩu gắn bó với nghề nông nhưng ai cũng “lận lưng” một thẻ BHYT để phòng thân. Đó là gia đình ông Nguyễn Kim Bằng (71 tuổi, thôn Bình Yên, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước). Mỗi kỳ cả gia đình dành hơn 3 triệu đồng để mua thẻ BHYT. Đối với một gia đình làm nông số tiền đó không nhỏ nhưng vì chăm lo cho sức khỏe nên gia đình ông Bằng đã tham gia BHYT liên tiếp hơn 5 năm liền. Cầm trên tay 8 thẻ BHYT của cả gia đình, ông Bằng nói: “Trong nhà, ai cũng có cái thẻ BHYT là đêm ngủ có thể yên tâm, lỡ đau ốm chi thì có thẻ BHYT. Người làm nông mà đau ốm đến không có thẻ BHYT thì khổ lắm, kiếm đâu ra tiền lo liệu thuốc men. Một lần mua thẻ BHYT tốn cũng nhiều tiền nhưng một lần đau thì tốn gấp nhiều lần”.

Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được triển khai đến tất cả thành phần liên quan nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT.
Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị được triển khai đến tất cả thành phần liên quan nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT.

Ở xã Tam Quang (huyện Núi Thành) có 9.690/12.800 người dân tham gia BHYT, trong đó phần lớn là người mua thẻ BHYT tự nguyện, bởi Tam Quang có ít gia đình hộ chính sách, hộ nghèo hay cận nghèo được cấp thẻ BHYT. Ông Huỳnh Văn Khánh - chủ đại lý BHYT xã Tam Quang, cho biết: “Đại lý của tôi có 4 cộng tác viên đắc lực ở các thôn. Cộng tác viên đi đến từng nhà, giải thích, vận động bà con tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi cho bản thân khi có ốm đau. Mỗi khi thẻ BHYT của một người nào sắp hết hạn, cộng tác viên lại đến để nhắc cho họ biết mà mua lại, đôi khi vì công việc làm ăn mà họ quên mất thời gian hết hạn”. Nhờ cách tiếp cận trực tiếp này mà tỷ lệ dân số tham gia BHYT ở xã Tam Quang đạt 75,2%. Rất nhiều hộ chọn cách mua thẻ BHYT cho cả nhà chứ không chọn người đau ốm để mua thẻ. Nhà ông Nguyễn Văn Hà (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) có 4 người, 2 con tham gia BHYT trường học, vợ chồng ông cũng mua thẻ BHYT đã hơn 5 năm nay để có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Ông Hà nói: “Tham gia BHYT mang lại nhiều lợi ích rất thiết thực. Cách đây chưa lâu tôi không may bị bệnh bướu cổ và đã điều trị ở Bệnh viện trung ương Huế 4 đợt rồi, chỉ chi trả 20% mà đã hơn 50 triệu đồng. Thực sự nếu không có thẻ BHYT thì số tiền mấy trăm triệu đồng để trị bệnh như thế không biết kiếm đâu ra”.

Ông Nguyễn Kim Bằng và 8 thẻ BHYT tự nguyện của cả gia đình.                                                                                                     Ảnh: D.L
Ông Nguyễn Kim Bằng và 8 thẻ BHYT tự nguyện của cả gia đình. Ảnh: D.L

Phấn đấu tăng diện bao phủ

Theo ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, tình trạng lạm dụng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiện vẫn còn xảy ra, nhất là các bệnh viện có đầu tư trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Trong nhân dân, vẫn còn việc lựa chọn ngược, phần lớn người tham gia BHYT tự nguyện là người lớn tuổi, có bệnh tật nên tính cộng đồng chia sẻ không được đảm bảo, mất cân đối Quỹ BHYT (năm 2012, bội chi trên 56 tỷ đồng).

Lợi ích thiết thực của thẻ BHYT thì ai cũng hiểu, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua thẻ BHYT cho tất cả nhân khẩu trong gia đình. Vì thế nên diện bao phủ của BHYT chỉ mới đạt 79% dân số toàn tỉnh (1.085.281 người). Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết: “Con số 79% là thành công lớn của Quảng Nam, vì bình quân của cả nước là 68%. Tuy vậy, việc tham gia BHYT của đối tượng học sinh sinh viên chưa đạt được yêu cầu đề ra, mặc dù là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc theo quy định của Luật BHYT. Hiện chỉ có 80% tổng số học sinh sinh viên tham gia BHYT. Việc phát triển đối tượng tham gia chưa bền vững khi tỷ lệ người tham gia BHYT tự nguyện gia hạn thẻ đúng thời hạn chỉ chiếm khoảng 50%. Vẫn còn nhiều lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT nhưng chưa được tham gia, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động”.

Nhằm đạt được mục tiêu 95% người dân tham gia BHYT vào năm 2020 như Chương trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Tỉnh ủy, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Vào giữa tháng 6.2013, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng BHXH tỉnh đã quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 21 đến tất cả ban tuyên giáo, BHXH các huyện, thành phố, các trường học, cán bộ làm công tác BHXH, BHYT... Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết 21, ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra. Theo đó, thời gian tới cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể...  cùng với ngành BHXH sẽ giúp chính sách BHXH, BHYT đến với người dân rộng rãi hơn. Ngoài ra, để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, công tác tuyên truyền về các chính sách, vị trí, vai trò và ý nghĩa của BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải được tăng cường. Đồng thời, bản thân ngành BHXH cũng như cơ sở khám chữa bệnh các tuyến phải nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người dân, cho người dân niềm tin để họ cùng thực hiện chính sách.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ