Nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn
Dù còn một số vướng mắc, bất cập, song các mô hình thí điểm và quản lý chất thải rắn nông thôn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của người dân.
Áp lực
Cuối năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, có 5 xã, thị trấn được triển khai thí điểm, gồm thị trấn Ái Nghĩa, Đại Hiệp (Đại Lộc), các xã Tam Hiệp (Núi Thành), Tiên Phong (Tiên Phước) và Phú Thọ (Quế Sơn). Mỗi tuần 2 lần, Công ty TNHH MTV Môi trường – đô thị Quảng Nam (đơn vị tổ chức thu gom) dùng xe cuốn ép rác chuyên dùng đến vận chuyển rác thải từ các điểm trung chuyển, tập kết của địa phương. Đến nay, đơn vị thu gom xử lý rác thải nguy hại cho 1.750 hộ tại thị trấn Ái Nghĩa, xã Tam Hiệp 1.164 hộ, Đại Hiệp 1.700 hộ, Phú Thọ 1.200 hộ và xã Tiên Phong là 400 hộ. Ngoài ra, các địa phương còn đầu tư 474 thùng rác, xe kéo rác và bãi chứa rác thải nguy hại đồng ruộng… Tuy nhiên, lượng rác thải xả ra môi trường ngày càng nhiều, gây áp lực cho công tác thu gom. Tại thị trấn Ái Nghĩa có hơn 37 trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện quy mô 500 giường, 325 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, 19 trại chăn nuôi gia cầm, gia súc quy mô vừa, chưa kể các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Ngoài ra, trung tâm thị trấn có 2 chợ với hàng trăm hộ kinh doanh, buôn bán. Bình quân mỗi ngày lượng rác thải xả ra trên địa bàn thị trấn khoảng 9,4 tấn. Đơn vị thu gom chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực chợ và bệnh viện, còn các địa điểm khác xe tải trọng lớn không thể vào được do đường sá nhỏ hẹp.
Trạm xử lý rác thải hữu cơ tại xã Atiêng, huyện Tây Giang đi vào hoạt động hơn 1 năm nay. Ảnh: H.PHÚC |
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa - ông Hứa Văn Hùng cho rằng, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư rất khó kiểm soát ô nhiễm môi trường, khâu xử lý vẫn chưa triệt để. “Lượng chất thải từ chăn nuôi đổ ra môi trường lớn, trong khi dân cư sống tập trung, diện tích đất của các hộ đều được tận dụng để chăn nuôi nên không khí ít được lưu thông. Thêm vào đó, cống rãnh thoát nước chưa đầu tư đồng bộ nên nước thải chăn nuôi vô tư tuồn ra môi trường” – ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, thời gian qua, thói quen vứt các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên đồng ruộng của nông dân cũng báo động. Trong khi đó, đồng ruộng hiện chưa quan tâm xây dựng các bể chứa bằng bê tông cốt thép để chứa những lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng.
Những mô hình hiệu quả
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, BVMT là một trong những tiêu chí quan trọng khi phát động xây dựng nông thôn mới, là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Qua mô hình quản lý chất thải rắn tại 5 xã điểm của tỉnh, rút ra nhiều bài học trong hoạt động của các tổ hợp tác thu gom rác thải, cơ chế hoạt động của các tổ hợp tác, kinh phí duy trì hoạt động thu gom rác thải, sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn. Đến năm 2015, sẽ nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn tại 50 xã điểm nông thôn mới trong tỉnh. |
Tại xã Tam Hiệp, nơi có nhiều nhà máy hoạt động trong khu công nghiệp, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 510 tấn/năm. Gần đây, chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường (BVMT). Hằng tuần, các tổ thu gom rác huy động 8 xe đẩy đến 36 điểm trung chuyển để chuyển rác ra bên ngoài xử lý. Ngoài ra, rác thải trên đồng ruộng định kỳ tuần/2 lần được thu gom. Mỗi hộ đóng 14 nghìn đồng/tháng cho chi phí thu gom rác thải. Ông Đinh Châu Trinh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, 100% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã được xử lý, mô hình quản lý tổ hợp tác thu gom rác hoạt động hiệu quả. Đa số người dân đóng phí môi trường. Theo ông Trinh, mô hình xử lý rác thải đi vào nền nếp là nhờ địa phương đưa tiêu chí BVMT vào xét chọn gia đình văn hóa.
Trong khi đó, chính quyền xã Phú Thọ đưa mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn vùng nông thôn gắn với việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “1 không, 3 có” (“1 không” là không vứt rác thải, chất thải, súc vật chết ra môi trường; “3 có” là có thùng chứa rác hoặc dụng cụ đựng rác tại mỗi gia đình, xử lý rác thải, chất thải đúng quy định của Nhà nước; có hố xí hợp vệ sinh tại mỗi gia đình; có ý thức giữ gìn vệ sinh chung). Cạnh đó, kết hợp với mô hình “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. "3 sạch" là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) của Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác BVMT. Đến nay, toàn xã Phú Thọ có 1.200/1.700 hộ và 8 tổ chức đăng ký tham gia phí BVMT.
TRẦN HỮU