Bảo vệ yến Hội An trước H5N1
Gần nửa tháng qua, hàng nghìn con chim yến nuôi thương phẩm ở Ninh Thuận nghi bị cúm H5N1 đã chết khiến chính quyền và các ngành chức năng tại Hội An lo ngại. Nhiều biện pháp cấp thiết đã được triển khai nhằm bảo vệ đàn chim tự nhiên tại quần đảo Cù Lao Chàm.
Khó can thiệp
Ông Lê Bình - Đội trưởng Đội khai thác yến sào Hội An cho biết, những ngày qua gần 100 cán bộ công nhân viên của đội cùng với cán bộ các phòng, ban của TP.Hội An đều túc trực trên các hòn đảo thuộc Cù Lao Chàm để theo dõi đàn chim yến và triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, quản lý cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. “Thông tin về yến Ninh Thuận khiến chúng tôi rất lo lắng nhưng ở đây là đàn chim tự nhiên, chúng tôi không thể can thiệp gì được ngoài việc rải vôi, làm vệ sinh sạch sẽ các hang và kiểm tra gắt gao độ an toàn dịch bệnh đối với mọi người cũng như kiểm soát các loại lương thực, thực phẩm từ mọi nơi mang đến” - ông Bình nói.
Bảo vệ nghiêm ngặt các hang yến tại Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.H |
Những năm trước đây khi có dịch xảy ra, Đội khai thác yến sào Hội An cũng triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng chống. Công nhân ở các hang Khô, hang Tai, hang Cạn, hang Cả, hang Tò Vò còn thi công các mố nhảy và bậc cấp trước hang để vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Theo từng năm, đội cũng đã làm mới tất cả găng cội ở các hang, tạo mái che mở rộng diện tích cho chim làm tổ, đồng thời đo đạc, tạo độ ẩm trong hang, khắc phục tình trạng tổ yến rụng do thời tiết hanh khô, giúp chim con phát triển tốt, góp phần tăng sản lượng. Ông Bình cho biết thêm: “Đặc biệt, việc dùng dầu ăn để dẫn dụ và diệt gián cũng đã hạn chế tình trạng gián gặm nhấm làm giảm chất lượng tổ yến, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây dịch bệnh cho chim yến từ các loài gặm nhấm”.
Theo thống kê, mỗi năm Hội An khai thác yến sào tại Cù Lao Chàm từ 1 - 1,5 tấn tổ. Yến sào Cù Lao Chàm có giá cao từ 50 - 70 triệu đồng/kg nhờ nấu không nát, tổ to, dày và hàm lượng dinh dưỡng cao. Yến ở các nơi có từ 100 - 120 tổ/kg nhưng yến sào Hội An chỉ 60 tổ/kg.… |
Hiện nay đang là thời điểm chim yến trên cụm đảo Cù Lao Chàm làm tổ, Hội An cũng bắt đầu bước vào mùa vụ khai thác tổ yến sào đầu tiên trong năm (mỗi năm chỉ khai thác 2 vụ vào tháng 4 và tháng 8). Đề cập những thông tin về dịch bệnh H5N1 trên chim yến, ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Hiện nay tại Hội An chưa có hiện tượng gì liên quan đến cúm H5N1. Tuy nhiên, trước đây thành phố từng cảnh báo về khả năng bị dịch bệnh nên có chủ trương không phát triển đàn yến tự nhiên vào đất liền, chủ yếu chỉ di dời từ hang này sang hang khác để yến có thể thành lập các đàn mới ngay trên đảo”.
Lo ngại từ đất liền
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là tại TP.Hội An mấy năm gần đây đã xuất hiện nhiều hộ dân tổ chức nuôi chim yến trong nhà. Qua khảo sát ban đầu cho thấy, ở các xã - phường Cẩm Châu, Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm Hà đã có trên 10 gia đình đầu tư nuôi chim yến. Một số hộ xây khu vực nhà riêng, có lắp đặt tín hiệu âm thanh để dẫn dụ chim vào làm tổ. Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An nói: “Đối với các hộ nuôi trong nhà hiện chưa có quy định nào quản lý bởi hình thức nuôi tự phát chứ không đăng ký theo mô hình nuôi thương phẩm quy mô như các nơi”.
Cũng theo ông Tường, dù vậy, chim yến nuôi thương phẩm tại Ninh Thuận bị dịch chết nên địa phương phải lo ngại tình trạng này có thể xảy ra tại Hội An. Hiện phòng đang phối hợp cùng các ngành chức năng tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng dịch cho người dân. “Hiện nay chúng tôi đang khuyến cáo người dân nuôi tự phát phải có biện pháp phòng ngừa, thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền phòng dịch vì nếu xảy ra tình trạng lây lan cho đàn yến thiên nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của thành phố. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương theo dõi, kiểm tra các hộ nuôi chim tự phát, buộc phải có biện pháp cụ thể và theo dõi mọi động thái để kịp thời xử lý” - ông Trương Văn Bay khẳng định.
Công bố dịch cúm H5N1 trên đàn yến nuôi ở Ninh Thuận UBND tỉnh Ninh Thuận vừa công bố dịch cúm H5N1 trên đàn chim yến nuôi (tại số nhà 592 Thống Nhất, phường Đạo Long, TP.Phan Rang-Tháp Chàm). Đây là cơ sở nuôi yến thuộc Công ty CP Yến Việt với số lượng hơn 100.000 con. Từ cuối tháng 3 đến nay, cơ sở này có hơn 5.000 chim yến bị chết. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm chim chết, chim sống, tổ yến, phân chim đi xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1 đối với mẫu chim chết; các mẫu chim sống, tổ, phân hoàn toàn âm tính. Sau khi thống nhất với Trung tâm Thú y vùng 6, chiều 18.4, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định tiêu hủy đàn yến này. UBND tỉnh Ninh Thuận giao nhiệm vụ cho các ngành chuyên môn phối hợp với Cơ quan Thú y vùng 6 và chính quyền sở tại khẩn trương huy động nhân lực, vật lực cần thiết, phục vụ công tác chống dịch. Cụ thể, tập trung xác dịnh vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm; đặt biển báo, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tránh vùng có dịch. Cấm người không có nhiệm vụ vào nơi chim yến mắc bệnh hoặc chết, hạn chế người ra vào vùng dịch… Khẩn cấp tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp bắt buộc khác cho động vật dễ nhiễm dịch bệnh đã công bố trong vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp; chữa bệnh hoặc tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền; tăng cường giám sát, theo dõi động vật trong vùng đệm… M.Đ (tổng hợp) |
Quốc Hải