Công nghiệp Phú Ninh: Nhiều “khoảng trống” chưa lấp

TRẦN HỮU 02/04/2013 08:13

Quy hoạch mạng lưới phát triển công nghiệp khá nhiều nhưng chưa tính toán đầy đủ nội lực của địa phương, hệ lụy là nhiều khu, cụm công nghiệp (CN) trên địa bàn huyện Phú Ninh dang dở đầu tư và thiếu hụt nguồn nhân lực...
Dang dở những dự án

Là huyện nông nghiệp - nông thôn mới, Phú Ninh bố trí các khu, cụm CN rải đều các vùng. Đơn cử như Khu CN Phú Xuân (do Ban Quản lý các khu CN tỉnh quản lý), các Cụm CN Tam Đàn, Phú Mỹ (xã Tam Phước), Cụm CN Chợ Lò (xã Tam Thái). Để thu hút đầu tư, địa phương đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế “trải thảm đỏ” như bỏ vốn đền bù, tạo quỹ đất “sạch”, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Song hành với đó là chính sách ưu đãi tiền thuê đất, cam kết cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ, đầu tư từ ngân sách đào tạo tay nghề cho người lao động. Mặt khác, tận dụng một số chương trình, dự án lớn, Phú Ninh tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch một số điểm làng nghề, cụm CN cho phù hợp với đề án xây dựng nông thôn mới…

Doanh nghiệp may mặc tại Cụm công nghiệp Chợ Lò đang thiếu hụt về nguồn lao động.
Doanh nghiệp may mặc tại Cụm công nghiệp Chợ Lò đang thiếu hụt về nguồn lao động.

Những cơ chế thông thoáng trên cho thấy sự chú trọng phát triển ngành công nghiệp của địa phương. Thế nhưng nhiều năm qua, số doanh nghiệp vào các khu, cụm  CN trên địa bàn huyện Phú Ninh rất ít. Nhà đầu tư tỏ ra rất khó tính, không ít doanh nghiệp đến rồi lặng lẽ ra đi. Hàng trăm héc ta đất “sạch” nhường cho dự án nhưng bị nhà đầu tư “hất hủi” đã gây bức xúc cho người dân, cử tri huyện Phú Ninh thời gian qua. Điển hình, Khu CN Phú Xuân (đóng tại xã Tam Đàn), theo quy hoạch tổng thể rộng 365ha, quy hoạch chi tiết 1/2000, giai đoạn 1 triển khai 108ha. Tháng 8.2011, chủ đầu tư là Ban Quản lý các khu CN tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH C&N ViNa để triển khai xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng giai đoạn 1 với tổng trị giá hơn 15 triệu đô la Mỹ, nhưng hiện đã dừng đầu tư.

Trong số các cụm CN trên địa bàn huyện thì Cụm CN Tam Đàn ra đời sớm nhất, nhiều doanh nghiệp hoạt động ổn định, như Công ty TNHH Thái Bình, Công ty CP Giao thông vận tải, Xí nghiệp Thủy sản Đông An, Công ty CP Xây lắp bưu điện Quảng Nam, Công ty CP Bê tông nhẹ Đất Việt. Trong khi đó, Cụm CN Chợ Lò theo quy hoạch hơn 36ha, thu hút 3 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 10ha, hai doanh nghiệp đang đi vào hoạt động là Công ty CP Mỹ nghệ Công Toàn, Công ty CP May Hòa Thọ Phú Ninh. Hơn 2ha ở cụm CN này có mặt bằng “sạch” nhưng đang chờ nhà đầu tư. Đáng nói hơn, Cụm CN Phú Mỹ chỉ có 1 doanh nghiệp triển khai đầu tư.

Hụt hẫng nguồn lao động

Do quy hoạch, mở rộng mạng lưới công nghiệp, trong khi không khảo sát bài bản thị trường cung - cầu nên các khu, cụm CN trên địa bàn huyện Phú Ninh đang gặp khó khăn về nguồn lao động tại chỗ. Nhà xưởng của Công ty CP May Hòa Thọ Phú Ninh (thuộc Cụm CN Chợ Lò) xây dựng khang trang, có thể thu hút hơn 500 công nhân, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ mới có khoảng 250 công nhân. Để “hút” công nhân các vùng lân cận về, công ty này đưa ra hàng loạt chính sách với người lao động như thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng/người, phụ cấp lương tháng 13; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công ty mua cho công nhân bảo hiểm tai nạn 24/24… Thế nhưng, người lao động vẫn chưa đến “gõ cửa”. Nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề.

Ông Trần Quốc Danh, Giám đốc Trung tâm Phát triển CN - thương mại và dịch vụ huyện Phú Ninh cho biết, một số doanh nghiệp thiếu trầm trọng nguồn lao động, đặc biệt là các công ty hoạt động trên lĩnh vực may mặc. Thực tế, thanh niên địa phương và vùng lân cận đã đến nơi khác làm việc. “Địa phương và doanh nghiệp dự định sẽ vào các tỉnh phía Nam vận động người lao động trở về địa phương làm việc” - ông Danh cho biết. Cũng theo ông Danh, để chia sẻ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, Phú Ninh đang tính toán sẽ đào tạo lao động nông thôn. Kế hoạch sắp đến là sẽ đào tạo 240 lao động có tay nghề phổ thông, nguồn lấy từ các chương trình đào tạo nghề nông thôn và kênh khuyến công.

“Khoảng trống” ở các khu, cụm CN Phú Ninh chưa được lấp suốt thời gian dài còn do hạ tầng yếu kém. Các nguồn vốn đầu tư, tạo mặt bằng “sạch” đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhìn vào Cụm CN Phú Mỹ, khó có thể nghĩ nơi đây được quy hoạch phát triển CN. Con đường dẫn vào trải đá dăm lỗ chỗ, không có điện chiếu sáng, suốt thời gian dài bỏ trống chẳng được đầu tư. Lý giải thực trạng buồn này, ông Danh chỉ gói gọn bằng 2 từ: không vốn.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU