Trợ sức phát triển cao su tiểu điền
Cơ chế khuyến khích phát triển cao su tiểu điền giai đoạn 2013 - 2016 (nằm trong đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại) vừa được UBND tỉnh hoàn chỉnh sẽ trợ sức cho nông dân tiếp tục mở rộng diện tích cao su tiểu điền. Đề án này sẽ được trình HĐND tỉnh khóa VIII xem xét thông qua tại kỳ họp sắp diễn ra.
Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: DOÃN HOÀNG |
Hiệu quả cao
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài 7.000ha cao su đại điền do các doanh nghiệp đầu tư trồng thì từ năm 2005 đến nay nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tập trung khai hoang vườn rừng, đồi núi để xây dựng nhiều mô hình chuyên canh cây cao su tiểu điền, mang lại hiệu quả cao.
Cách đây khoảng 7 năm, được sự hỗ trợ từ nhiều phía, ông Lê Văn Trung (thôn 3, xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức) bắt tay cải tạo 6ha vườn đồi để triển khai trồng cây cao su tiểu điền. Nhờ Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam cung ứng nguồn cây giống chất lượng cao, lại được hướng dẫn cặn kẽ quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại nên vườn cao su của gia đình ông phát triển tốt. Giữa năm 2011, tiến hành khai thác, ông thu về xấp xỉ 400 triệu đồng. Đầu năm 2012 đến nay, ông lại thu hoạch thêm khoảng 400 triệu đồng nữa từ vườn cao su. Theo cơ quan chuyên môn, chu kỳ khai thác mủ của cây cao su là 22 - 25 năm, vì vậy chắc chắn trong thời gian tới ông Trung sẽ thu được tiền tỷ.
Theo ông Phạm Sỹ Đoàn – Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức, thời gian qua hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện đã chọn cây cao su tiểu điền làm hướng phát triển kinh tế chủ lực. Tính đến đầu tháng 12.2012, nông dân địa phương đã trồng được 1.693ha cao su, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Phước Trà, Quế Lưu, Sông Trà, Quế Bình, Hiệp Hòa, Phước Gia. Hiện tại Hiệp Đức có khoảng 30ha cao su tiểu điền đã và đang đưa vào khai thác mủ, bình quân mỗi năm 1ha cho giá trị 85 - 95 triệu đồng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ thị sát vùng trồng cao su đại điền và tiểu điền ở huyện Đông Giang. Ảnh: VĂN SỰ |
Ông Phan Sĩ Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Nam cho biết, không riêng Hiệp Đức, nhờ hiệu quả kinh tế khá cao, lại thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên những năm gần đây rất nhiều hộ dân ở Thăng Bình, Đông Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Núi Thành đã tổ chức trồng được ít nhất 300ha cao su tiểu điền. Theo ông Hùng, chắc chắn thời gian tới diện tích cao su sẽ tiếp tục được mở rộng...
Tạo đà phát triển
Cơ chế cũ chưa phát huy hiệu quả Ngày 31.8.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND (QĐ 26) về khuyến khích phát triển cây cao su tiểu điền. Theo đó, cơ chế này được thực hiện ở phạm vi các huyện Hiệp Đức, Thăng Bình, Phước Sơn, Quế Sơn, Nông Sơn, Núi Thành, Nam Giang, Đông Giang với quy mô hỗ trợ trồng 3.000ha cao su tiểu điền trong giai đoạn 2009 - 2012. QĐ 26 quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền mua cây giống với mức 1 triệu đồng/ha (cho diện tích trồng đạt từ 0,5ha đến tối đa 3 ha/hộ). Ngoài ra, lồng ghép dự án trồng rừng 661 hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, ở khu vực miền núi, những vùng khó khăn, UBND cấp huyện lồng ghép các chương trình, dự án khác để hỗ trợ thêm cho nhân dân mua giống nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/ha. Về hỗ trợ lãi suất tiền vay, theo QĐ 26, ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất 50% thực trả lãi vay (không vượt 6%/năm) với mức tiền vay tối đa 20 triệu đồng/ha, mỗi hộ được hỗ trợ lãi suất tiền vay không quá 3ha. Mặc dù QĐ 26 được phép áp dụng từ năm 2009 tại 8 huyện nêu trên, nhưng thực tế cho thấy rất ít nơi thực hiện. Qua kiểm tra, chỉ có huyện Hiệp Đức tiến hành hỗ trợ vào năm 2011 với khoảng 80ha cho 184 hộ dân. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân làm quyết định này không mang lại hiệu quả cao là mức hỗ trợ về cây giống thấp. Theo tính toán, để trồng 1ha cao su, nông dân phải đầu tư ít nhất 15 triệu đồng để mua giống nhưng Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng… |
Để tạo bệ đỡ vững chắc cho nông dân phát triển mạnh kinh tế hộ, ngành nông nghiệp vừa xây dựng mới cơ chế khuyến khích phát triển cao su tiểu điền giai đoạn 2013 - 2016 (nằm trong đề án phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại) để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa VIII xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 6. Theo cơ chế dự thảo này, 4 năm tới Quảng Nam tiếp tục trồng mới 1.500ha cao su tiểu điền. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân 50% thực trả lãi vay nhưng không quá 7%/năm trong 6 năm (kể từ thời điểm rút vốn vay đầu tiên cho một chu kỳ vay) với mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 30 triệu đồng/ha và 3ha/hộ. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ, cá nhân, chủ trang trại có hộ khẩu tại Quảng Nam, có đất sản xuất hợp pháp, có phương án thực hiện, được UBND xã xem xét, trình UBND cấp huyện phê duyệt. Thời điểm vay được hỗ trợ lãi suất từ năm 2013 - 2016. Sau năm 2016, tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay cho các gia đình đã được vay vốn trong thời điểm 2013 - 2016 cho đủ thời gian hỗ trợ lãi vay như trên.
Về hỗ trợ giống, hộ trồng mới liền thửa từ 0,5ha trở lên được hỗ trợ kinh phí để mua giống cây cao su với mức 3 triệu đồng/ha, hỗ trợ tối đa là 3ha/hộ. Phạm vi hỗ trợ được xác định là vùng trồng cao su tiểu điền nằm trong quy hoạch trồng cao su của các huyện Hiệp Đức, Thăng Bình, Phước Sơn, Nông Sơn, Núi Thành, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Bắc Trà My, Tây Giang. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2016 ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 8,8 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất vay và 4,5 tỷ đồng hỗ trợ tiền mua cây cao su giống cho nông dân...
Mới đây, tại cuộc làm việc với các đơn vị liên quan để góp ý xây dựng hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển cao su tiểu điền giai đoạn 2013-2016, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cho rằng, các chính sách hỗ trợ trong cơ chế này cần đảm bảo tính khả thi cao để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Đặc biệt, nhất thiết phải phân kỳ đầu tư theo từng năm một cách cụ thể và xác định rõ nhu cầu bức thiết của mỗi địa phương. Bên cạnh việc khuyến khích người dân phát triển mạnh cây cao su tiểu điền thì các ngành, địa phương liên quan cần làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về việc giao các đơn vị trực thuộc đang đóng chân trên địa bàn tỉnh liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
MAI NHI