Đột phá phát triển thủy lợi

07/12/2012 00:12

Kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, UBND tỉnh sẽ trình đề án “Điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn Quảng Nam từ năm 2011 đến 2015” . Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công khó khăn, đây có thể xem là sự quan tâm lớn của tỉnh đối với nông nghiệp, nông thôn.

alt
Gần 2 năm qua toàn tỉnh đã kiên cố hóa được hơn160km kênh mương chính và nội đồng. Ảnh: V.SỰ

Chưa đáp ứng nhu cầu

Nhằm từng bước mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động, tiết kiệm nguồn nước, kết hợp xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, ngày 24.4.2010 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND về tiếp tục phát triển chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011-2015. Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, các địa phương đã chú trọng lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để tập trung đầu tư cho khâu này.

Ông Trần Ngọc Bằng - Phó phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, cuối năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư gần 9 tỷ đồng xây dựng 4 công trình thủy lợi hóa đất màu và bê tông hóa 10km kênh mương loại 3 để chủ động cung ứng nước tưới cho 380ha đất canh tác lúa, cây trồng cạn. Ngoài ra, với số tiền 2 tỷ đồng do Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ, một số xã trên địa bàn Phú Ninh cũng đã tiến hành kiên cố hóa hơn 2,5km kênh mương chính và nội đồng. 

Theo ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian các địa phương rất nỗ lực trong việc xây dựng hạ tầng thủy lợi. Ông Điềm nói: “Năm 2011, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau các địa phương đã đầu tư thi công hoàn chỉnh 21 công trình thủy lợi nhỏ, 27 công trình thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa gần 80km kênh mương loại 2 và 3 với tổng kinh phí hơn 108 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh phân bổ gần 38 tỷ đồng. Với số công trình vừa nêu, toàn tỉnh có thêm 3.842ha đất sản xuất chủ động nước tưới”. Năm 2012, tổng kinh phí để thực hiện chương trình này khoảng 130 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tỉnh cấp cho các địa phương 67 tỷ đồng. Theo đó, đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 15 công trình thủy lợi nhỏ, 17 công trình thủy lợi hóa đất màu, bê tông hóa 82km kênh mương chính, nội đồng. Hiện nay hầu hết công trình thủy lợi trên đều cơ bản thi công xong, đảm bảo phục vụ tưới 4.000ha đất canh tác.

alt
Lắp đặt hệ thống kênh tưới bằng ống nhựa ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình. Ảnh: V.SỰ

Dù đã đạt được những thành quả quan trọng nhưng thời gian qua việc triển khai chương trình này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nói: “Trong 2 năm đầu thực hiện Nghị quyết số 160, UBND tỉnh đã cân đối, bố trí nguồn kinh phí khá lớn (105 tỷ đồng) nhưng do giá cả vật tư, lương nhân công biến động tăng cao, vì vậy kết quả đạt được vẫn còn thấp, nhất là phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ”. Cũng theo ông Tuấn, qua khảo sát cho thấy, nhu cầu của hầu hết các huyện, thành phố thì nhiều, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh có hạn, khả năng đóng góp của người dân (đối tượng trực tiếp hưởng lợi) rất ít, thậm chí có nơi không huy động được.

Ngoài ra, kinh phí đối ứng của đa số các địa phương chủ yếu từ ngân sách huyện, xã và khoản thủy lợi phí được cấp bù của những HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, tình hình ngân sách các địa phương gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn của các HTX bị thiếu hụt và phải đầu tư cho nhiều loại hình dịch vụ khác, vì vậy từ năm 2013 trở đi, khả năng đóng góp vốn đối ứng của các huyện, thành phố cũng như nhân dân để kiên cố hóa kênh mương loại 3 sẽ hết sức khó khăn, không thể đáp ứng đảm bảo theo tỷ lệ mà Nghị quyết 160 quy định là 50% đối với khu vực đồng bằng, 30% đối với miền núi...

Tạo “cú hích” mạnh

Theo đề án, cơ cấu đầu tư chương trình kiên cố hóa kênh loại 3 đối với cả kênh hở lẫn kênh kín ống nhựa được phân ra thành 2 khu vực, cụ thể như sau: khu vực 1 gồm các xã, phường, thị trấn thuộc Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc (trừ 9 xã Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Tân), Duy Xuyên (trừ 2 xã Duy Sơn, Duy Phú), Thăng Bình (trừ 2 xã Bình Lãnh, Bình Phú), Quế Sơn (trừ xã Quế Phong), Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh), Núi Thành (trừ 4 xã Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây). Tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình là ngân sách tỉnh 60%, ngân sách huyện, xã hỗ trợ, đóng góp của HTX và nhân dân 40%. Khu vực 2, gồm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn; những xã miền núi, hải đảo, khó khăn ven biển thuộc các huyện, thành phố đã nêu ở khu vực 1. Tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình là ngân sách tỉnh 80%, ngân sách huyện, xã hỗ trợ, đóng góp của HTX và nhân dân 20%...

Để chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu, kiên cố hóa kênh mương trong những năm đến mang lại kết quả cao, việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là rất cần thiết. Theo đề án mà UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh khóa VIII xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 6, đối với chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, từ năm 2013 đến 2015 chủ yếu tập trung thực hiện ở miền núi nhằm mở rộng diện tích chủ động tưới, nâng cao năng suất lúa nước, ổn định lương thực tại chỗ cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Võ Văn Điềm cho biết thêm: “Do sự phát triển của hệ thống thủy điện, diện tích đất canh tác liên tục bị thu hẹp nên giai đoạn 2013-2015 sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 90 công trình thủy lợi nhỏ, đảm bảo phục vụ tưới cho khoảng 1.500ha đất canh tác với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Về thủy lợi hóa đất màu, trong vòng 3 năm tới sẽ đầu tư xây dựng 65 công trình để chủ động tưới cho gần 650ha đất chuyên canh cây trồng cạn ở khu vực ven sông, bãi bồi, vùng cát... với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng”.

Hiện nay, tổng chiều dài kênh mương loại 2 và 3 trên toàn tỉnh là 2.630km, thời gian qua đã tiến hành kiên cố hóa được 880km, còn lại 1.750km chưa thực hiện. Theo đề án, từ năm 2013 – 2015, Quảng Nam sẽ chi 270 tỷ đồng để tiếp tục bê tông hóa 75km kênh loại 2 và ít nhất 180km kênh loại 3 nhằm tăng khả năng chống chịu với thiên tai, tiết kiệm nước, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng công trình. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho những xã đang thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới, các khu vực có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn. Theo đề án này, cơ chế đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa kênh mương loại 2 được thực hiện với phương thức hỗ trợ 100% bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung theo các chương trình, dự án có mục tiêu của Trung ương, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, những khoản tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. 

Về phát triển thủy lợi hóa đất màu, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngân sách nhà nước đầu tư 100% các hạng mục công trình, như: trạm biến áp, đường dây điện hạ thế, trung thế, cao thế. Những hạng mục còn lại (gồm khoan giếng, máy bơm, vật tư lắp đặt giếng và thiết bị tưới) do nhân dân tự đóng góp. Đối với công trình ao thu gom nước nhỉ trong cát, ngân sách tỉnh đầu tư 100% phần đầu mối và kiên cố hóa kênh mương, kể cả công trình trên kênh. Phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng do địa phương và nhân dân chịu trách nhiệm. Các hạng mục công trình do ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ được thực hiện theo trình tự xây dựng cơ bản và giao cho UBND cấp huyện, xã là chủ đầu tư. Về kiên cố hóa kênh mương loại 3, tùy theo điều kiện tại mỗi địa phương, tự tổ chức huy động sức dân cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện.

VĂN SỰ