Giáo dục đào tạo và khoa học - công nghệ: Động lực cho phát triển bền vững

05/12/2012 01:25

Hôm qua 4.12, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về phát triển giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) và Chương trình hành động về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) từ nay đến năm 2020. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là GD-ĐT và KH-CN phải thật sự tạo động lực cho Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững.

alt
Học sinh trường chuyên là một trong những đối tượng đã nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của  tỉnh. Ảnh: T.X.P

Chuyển biến toàn diện, vững chắc

Khẳng định những thành tựu quan trọng và khá toàn diện về GD-ĐT của Quảng Nam trong thời gian qua, song các đại biểu dự hội nghị vẫn thẳng thắng chỉ ra những mặt hạn chế, bất cập cần khắc phục. Thiếu tiền, thiếu ký túc xá cho học sinh, thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị,... là tình trạng chung của GD-ĐT Quảng Nam, mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển ở lĩnh vực này, song chưa thể đáp ứng nhu cầu. Một điểm khác rất đáng chú ý là việc hướng dẫn phân luồng học sinh trung học cơ sở vào các trường dạy nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp chưa thực hiện có hiệu quả; giáo dục ở miền núi còn nhiều yếu kém,...

Để GD-ĐT thật sự trở thành quốc sách, phát huy tốt nhất truyền thống hiếu học của đất Quảng, Tỉnh ủy khẳng định quan điểm: đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển bền vững, là tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, cần tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực cho phát triển GD- ĐT, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc về quy mô, chất lượng ở tất cả các cấp học, ngành học; ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, sẽ từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn; coi trọng giáo dục truyền thống, ý thức chấp hành pháp luật nhằm bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ nhằm đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước. 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận về GD-ĐT, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, nhấn mạnh: Cần tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của đất Quảng, hết sức coi trọng tính hiệu quả, khắc phục sớm bệnh thành tích, bệnh hình thức trong GD-ĐT. Về  giáo dục miền núi, đồng chí Nguyễn Đức Hải cho rằng, thời gian tới phải nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo giáo viên tại chỗ, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp đối với giáo viên vùng xuôi tình nguyện công tác lâu dài tại miền núi.
Đối với KH-CN, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải yêu cầu tập trung cho công tác ứng dụng, chuyển giao những thành tựu công nghệ, kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống; chú trọng phát huy giá trị sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của tỉnh; nghiên cứu dư luận xã hội, đánh giá những tác động của chính sách đối với đời sống cộng đồng; đặc biệt, cần hết sức chú trọng nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá tác động của các dự án đầu tư đối với môi trường sống. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu đổi mới công tác quản lý tài chính theo hướng mạnh dạn thực hiện cơ chế khoán, đấu thầu thực hiện sản phẩm KH-CN.

Tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều ý kiến còn đề nghị cần có tính toán sự cân đối giữa giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp; có định hướng cụ thể về phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT để tránh sự lãng phí trong đào đạo nguồn nhân lực. Bí thư Huyện ủy Quế Sơn,  ông Hà Phước Trinh cho rằng, đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Mặt khác, theo ông Hà Phước Trinh, cần đánh giá cụ thể về hiệu quả hoạt động của các trung tâm hướng nghiệp giáo dục để có giải pháp cụ thể, bởi thực tế các trung tâm này đang bế tắc, tồn tại chỉ mang tính hình thức. Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến - Bí thư Huyện ủy Núi Thành khẳng định, yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhưng hiện nay chế độ, chính sách gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang tỏ ra băn khoăn: “Nếu không đặt nặng vấn đề về chất lượng đội ngũ giáo viên là người tại chỗ ở miền núi thì chúng ta có tội với bà con”. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Cung cấp luận cứ cho việc hoạch định chính sách

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã đặt ra mục tiêu tổng quát  như vậy đối với KH-CN trong những năm đến. Trong đó, những vấn đề quan trọng nhất là KH-CN phải xác lập rõ những luận cứ cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai và cả vùng đông; quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; phát triển kinh tế - xã hội miền núi; nghiên cứu bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa Quảng Nam...

Nhìn chung, KH-CN đã và đang “góp mặt” trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam. Đó là điều có thể khẳng định khi nhìn nhận một cách toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác quản lý nhà nước và các lĩnh vực khác của đời sống; cũng như những kết quả cụ thể về nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong những năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Tỉnh ủy, hoạt động và thành tựu KH-CN của Quảng Nam hiện chưa thực sự trở thành động lực, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiềm lực KH-CN của tỉnh vẫn còn ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà trong thời gian đến. Theo ông Phạm Viết Tích - Phó Giám đốc Sở KH-CN, những yếu kém hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau và đó cũng là thực trạng chung của KH-CN cả nước. “Nguồn vốn dành cho KH-CN không nhiều, nhưng vẫn không sử dụng hết. Nhiều đề tài nghiên cứu chỉ để nghiên cứu, không áp dụng được vào thực tiễn. Các cơ chế kích thích công tác đầu tư nghiên cứu KH- CN không phát huy hiệu quả khiến lĩnh vực KH-CN chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”- ông Tích cho biết.

alt
Nhà máy Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ tiên tiến. Ảnh: MỸ DUNG

Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng: “Để phát huy tốt vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển miền núi, hoạt động KH- CN cần tập trung nghiên cứu thấu đáo, khoa học về thực trạng cũng như tình hình kinh tế - xã hội, con người, các nguồn lực của miền núi để từ đó xây dựng chiến lược đầu tư phát triển miền núi phù hợp, hiệu quả. Đồng thời cũng cần có những nghiên cứu sâu để có thể bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của miền núi, hiện đang mai một dần”. Trong khi đó, một số ý kiến khác đề xuất cần có những nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để giải quyết những “bài toán” cụ thể cho những sản phẩm chủ lực của các địa phương, chẳng hạn: nâng cao giá trị sản phẩm lòn bon, tiêu Tiên phước, yến sào Hội An, chế biến nguyên liệu cây keo sau thu hoạch;  hay như phòng chống hiệu quả dịch bệnh triền miên trên gia súc, gia cầm; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giống nông- lâm nghiệp,... Ông Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội cho rằng, đối với địa phương như Quảng Nam, cách tốt nhất là tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi đây là con đường ngắn nhất, phù hợp nhất và hiệu quả nhất, nhằm tranh thủ tối đa trí tuệ của nhân loại cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Xuân Phú –  Nguyên Đoan