Ưu tư từ một báo cáo về văn hóa
Gần đây dư luận lại bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về câu chuyện “chấn hưng văn hóa”. Mà phạm vi bàn tán chỉ xoay quanh về tiền nong, đến hàng trăm nghìn tỷ đầu tư cho công cuộc ấy, được ai đó nêu ra. Còn nội dung đầu tư vào cái gì thì chưa thấy ai bàn kỹ (!?).
Vậy nên thiển ý của người viết bài này, là hãy bắt đầu từ việc đưa ra các quyết sách làm sao khắc phục những hạn chế, yếu kém của văn hóa đã được nhìn nhận từ một báo cáo cũ nhưng còn nguyên giá trị thời sự. Đó là báo cáo về “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” được trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 2021 (sau đây gọi tắt là Báo cáo Văn hóa).
Rất nhiều vấn đề khá nhức nhối được nêu ra trong Báo cáo Văn hóa.
Rằng, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người.
Nào là, cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa coi trọng bố trí cán bộ có đức, có tài, có kiến thức, kinh nghiệm và nhiệt huyết làm lãnh đạo, quản lý văn hóa; thậm chí bố trí những người không có chuyên môn, thiếu hiểu biết về văn hóa làm cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ.
Chính sách trọng dụng trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, văn nghệ chưa thật khoa học, hợp lý, còn thiếu thống nhất, đồng bộ, thiếu tầm nhìn lâu dài. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở còn yếu và thiếu, dẫn đến những hạn chế, lúng túng, bị động trong tham mưu, xử lý những vấn đề nảy sinh.
Đặc biệt, Báo cáo Văn hóa nhắc lại báo cáo của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, nêu ra những biểu hiện tiêu cực đang gây nỗi lo lắng, bức xúc trong đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân là: “Nạn tham nhũng; lợi dụng văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh (xây đền, chùa, tổ chức lễ hội...) để kiếm tiền, trục lợi, truyền bá mê tín dị đoan; giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, biến tướng, cái xấu lấn át cái tốt; gian lận, dối trá, đạo đức giả, bệnh thành tích; nạn quan liêu, cửa quyền; lối sống cá nhân, ích kỷ, thực dụng, vô cảm với cộng đồng, xã hội”.
Báo cáo Văn hóa cũng chỉ ra rằng văn hóa gia đình đang biến đổi mạnh mẽ trong cơ chế thị trường, đô thị hóa, hiện đại hóa, mặt tích cực đan xen với tiêu cực dẫn đến loạn chuẩn giá trị gia đình.
Môi trường văn hóa trường học bị ảnh hưởng bởi các ứng xử bạo lực, phản cảm, gian lận thi cử… Các danh hiệu văn hóa trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở một số nơi còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích. Quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi.
(…)
Chỉ có thể điểm sơ qua vậy mà khó kể hết vì Báo cáo Văn hóa có hơn 5 trang/27 trang nhận diện sắc nét những mặt hạn chế, yếu kém trong phát triển văn hóa.
Thiển nghĩ từ trung ương đến địa phương cần xem lại Báo cáo Văn hóa, và tiếp tục mổ xẻ những “khối ung nhọt” trong văn hóa, từ đó mới có thể “chữa lành”, rồi chấn hưng văn hóa. Công cuộc ấy cần đồng bộ từ quyết sách đến hành động, phụ thuộc nhận thức chung cộng đồng đến từng người, tổng thể từ thực thi pháp luật đến quản lý văn hóa, giáo dục... Và đâu phải có tiền là giải quyết được ngay, cũng không phải có tiền là xử lý được mọi việc để văn hóa tốt đẹp!