Nước mắt của biển
Cả tuần qua, từ phía bờ Quảng Nam đăm đắm nhìn ra biển để cầu nguyện phép màu xuất hiện cứu vớt các ngư dân bị chìm tàu. Cũng ở phía bờ, đã trào lên những giọt nước mắt xót thương nghẹn ngào khi nghe tin người gặp nạn không qua khỏi cơn nguy kịch. Nước mắt của biển mặn rát hơn muối xát!
Chưa bao giờ có vụ chìm tàu nào của ngư dân Quảng Nam lại được huy động lực lượng cứu nạn cứu hộ đông đảo và cấp tốc như lần này.Tàu của Bộ Quốc phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư, cùng tàu ngư dân bạn biển, với hàng chục chiếc tiếp cận, quần lượn suốt ngày đêm ở khu vực định vị nơi các tàu QNa-90129TS, QNa-90927TS gặp nạn.
Dõi theo “nhật ký chìm tàu” cho đến chiều 19/10, qua khoảng thời gian vàng để tìm kiếm cứu nạn, đã có 2 người được vớt nhưng cạn kiệt sức lực nên tử vong, còn đến 13 người mất tích, biệt tăm.
Không thể dự lường hết những tai nạn, rủi ro khi vươn ra khơi xa, như câu ca xưa mô tả nghề biển là “hồn treo cột buồm”. Đã qua bao đời người, các nghĩa trang ven bờ biển cũng chồng lên những ngôi mộ gió.
Mỗi khi nghe trở trời biển động lại thắc thỏm lo âu, nhất là những người mẹ, người vợ, con thơ trong gia đình có người đi biển. Sợ những cơn cuồng nộ bão dông nhưng rồi những người chồng, những chàng trai làng cá vẫn phải đi về phía biển vì sự sinh tồn.
Hơn thế nữa, họ đã làm nên cột mốc sống giữ lấy chủ quyền trên biển của Tổ quốc. Bởi vậy mỗi khi họ không may gặp nạn, từ phía bờ luôn cần có sự cảm thông chia sẻ của láng giềng, chính quyền, đoàn thể. Đó cũng là hành động diễn ra tại Núi Thành những ngày qua, góp phần an ủi thân nhân các ngư dân.
Vấn đề sau vụ tai nạn chìm tàu này sẽ còn nhiều câu chuyện cần giải quyết nữa, như việc thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá và thuyền viên, giúp ổn định sinh kế cho các gia đình có người không may gặp rủi ro, hỗ trợ cho nghề cá và làng cá hiện đại hóa phương tiện… Vì rằng phát triển nghề cá không phải chỉ lo thúc giục vươn khơi bám biển mà còn phải giải quyết sinh kế ngay trên bờ. Bờ có vững thì nghề biển mới tiến triển.
Dù nghề biển có rủi ro nhưng cũng phải thấy biển đem lại nguồn lợi cho con người. Vì thế Quảng Nam hiện vẫn duy trì 2.715 tàu thuyền hành nghề đánh bắt hải sản, trong đó có 648 chiếc tàu chiều dài từ 15m trở lên thường vươn ra khơi xa khai thác nguồn lợi từ biển.
Có những chiếc tàu lớn hành nghề câu mực khơi, như tàu QNa-94545 của anh Lê Đức Nam (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) dài 24m, công suất 750CV, trong năm nay đã đi 3 chuyến, có chuyến thu được 40 tấn mực khô, bán 6 tỷ đồng, trừ chi phí xong còn gần 4 tỷ đồng, trung bình mỗi bạn biển có thu nhập hơn 80 triệu đồng.
Nghề khai thác hải sản được định vị là một trong những nghề cần phát triển trong tổng thể Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, cần “đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân”.
Chiến lược đã nêu cũng đặt ra yêu cầu “hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương”. Quảng Nam ở ven biển hẳn nhiên phải chọn tầm nhìn hướng biển trong chiến lược phát triển đường dài cùng đất nước.
Nếu hiện đại hóa được nghề cá, tổ chức lại sản xuất theo chiến lược ấy, hẳn sẽ góp phần giảm thiểu phần lớn rủi ro cho ngư dân vươn khơi bám biển. Làm sao để nước mắt của biển vơi đi, lòng người mới tự tin mưu sinh với biển!