Thuyền thúng và tàu to
Kể về quy mô doanh nghiệp nhỏ hay lớn, người ta thường ví von bằng hình ảnh thuyền thúng và tàu to. Nhưng to hay nhỏ, lớn hay bé thì sự định lượng cũng chỉ tương đối và phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là trong bối cảnh kinh doanh ở đâu, tầm ảnh hưởng như thế nào.
Chưa rõ văn bản pháp lý nào quy chuẩn doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Tuy vậy, có định lượng mà nhiều người hay nói là doanh nghiệp lớn phải có tổng nguồn vốn ít nhất hơn 100 tỷ đồng và số lao động từ 300 người trở lên.
Quy mô dưới mức đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn loại siêu nhỏ thì chỉ có nguồn vốn vài ba tỷ đồng và số lao động không quá 10 người. Nếu lấy mức đó của Việt Nam so nước ngoài thì đa số doanh nghiệp Việt như thuyền thúng với tàu to, bởi doanh nghiệp gọi là lớn ở EU ít nhất phải đạt doanh thu từ 50 triệu EURO trở lên hoặc tổng giá trị tài sản hơn 43 triệu EURO.
Bàn về quy mô là để rà soát năng lực tài chính, dự báo khả năng đầu tư, tầm ảnh hưởng, sức tác động đến nền kinh tế và nhiều yếu tố khác liên quan doanh nghiệp. Qua đó cũng có thể xem xét tác động của chính sách đến việc kiến tạo môi trường đầu tư để doanh nghiệp ra đời và hoạt động sản xuất, kinh doanh thế nào.
Chẳng hạn, tổng kết hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là Nghị quyết 10), Việt Nam đã có được hơn 800 nghìn doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân chiếm 98%, đa số là doanh nghiệp nhỏ).
Quảng Nam cũng vừa có báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 10, cho biết toàn tỉnh có 8.452 doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến hết tháng 8/2023, tăng hơn 2,8 lần so với năm 2017). Trong đó có 8.186 doanh nghiệp tư nhân.
Đặc biệt, đánh giá về quy mô doanh nghiệp, Quảng Nam cũng không khác mấy so với bối cảnh chung cả nước khi chiếm số nhiều vẫn là doanh nghiệp nhỏ (thậm chí còn khá đông doanh nghiệp siêu nhỏ), vốn ít, công nghệ lạc hậu, liên kết sản xuất yếu, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu.
Dĩ nhiên quy mô nhỏ thì tầm ảnh hưởng và sức cạnh tranh còn thấp. Vì vậy việc xây dựng thương hiệu địa phương hay quốc gia sẽ cần tiếp tục với thực hiện Nghị quyết 10 bằng đột phá chiến lược “nuôi lớn” doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn xây dựng được hệ sinh thái kiến tạo và dẫn dắt phát triển.
Nói đi cũng phải nói lại, “tập đoàn thuyền thúng” doanh nghiệp của Việt Nam qua cơn chao đảo của đại dịch COVID-19 sẽ phải tự thanh lọc, xoay trở để tồn tại và phát triển. Do quy mô nhỏ thì tính cơ động dễ hơn, và nếu rủi ro phải giải thể, ngừng hoạt động cũng ít gây cú sốc cho nền kinh tế như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, cần ghi nhận kinh tế tư nhân đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đất nước (góp trung bình 46,4% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021; năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách).
Riêng ở Quảng Nam, kinh tế tư nhân đã trở thành động lực phát triển kinh tế chủ yếu (chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70 - 80% tổng vốn sản xuất kinh doanh bình quân hằng năm, đóng góp hơn 40% GRDP của tỉnh), đặc biệt là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải.
Bây giờ cũng là lúc Việt Nam cần soi lại mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 70 nghìn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Số lượng cũng cần, nhưng chất lượng doanh nghiệp mới là quan trọng.
Làm sao để bên cạnh “tập đoàn thuyền thúng” có những con tàu to làm “sếu đầu đàn” mới tạo ra sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế, điều đó tùy thuộc một phần lớn từ việc khắc phục các hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 10 thời gian qua.