Tự chủ, tự lực, tự cường
Lịch sử loài người đã trải qua bao cuộc binh đao khói lửa, xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Vậy nên ai cũng ước ao khi có những quãng lặng bình yên, như lời đại văn hào Tolstoy đã viết trong cuốn sách “Con đường đau khổ”, rằng “năm tháng rồi sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi không còn gào thét; chỉ còn lại em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa yêu thương”.
Giữ nền hòa bình, độc lập tự chủ, làm bạn bè hữu nghị, hợp tác để cùng phát triển thịnh vượng luôn là mơ ước, khát vọng của nhiều dân tộc, quốc gia. Vì thế, tuần qua, dư luận trong nước và quốc tế hết sức quan tâm sự kiện nâng tầm Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, với phương châm “16 chữ vàng”: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.
Đó là dấu mốc lịch sử.
Đó cũng là kết quả sự nỗ lực suốt chiều dài lịch sử.
Vì rằng ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau khi tuyên bố Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã liên tục viết thư kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới kết nối bang giao.
Riêng với Mỹ, các nhà sử học từng cho rằng nếu Tổng thống Harry Truman phúc đáp thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngày 18/1/1946, thì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có lẽ đã sớm rẽ sang hướng tốt đẹp.
Ước vọng “Hoa Kỳ sẽ giúp nhân dân Việt Nam đạt được độc lập và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình tái thiết đất nước” và “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”, từ bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải trải qua nhiều gian nan mới được hiện thực hóa. Và từ phía khác, nếu Việt Nam không tự lực tự cường thì khó có tư thế đĩnh đạc để kết nối bang giao ở tầm đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn, nước mạnh, trong đó có Hoa Kỳ.
Tự chủ, tự lực, tự cường sẽ còn là hành trình dài phấn đấu làm cho đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Ở cấp độ địa phương, để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, cũng phải đặt ra và quyết tâm thực hiện những mục tiêu khát vọng tự lực, tự cường.
Ở phương diện cá nhân, mỗi công dân nếu tâm niệm với nỗ lực vượt lên chính mình, góp sức vào công cuộc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khởi sự sản xuất kinh doanh, làm cho dân giàu thì nước sẽ mạnh.
Trong những ngày này, đọc lại nhiều chia sẻ từ những doanh nhân, chủ các tập đoàn, doanh nghiệp, thấy ấp ủ kỳ vọng, khát khao cống hiến để nâng tầm vóc thương hiệu, kinh tế và văn hóa mang bản sắc Việt, càng thấy lấp lánh niềm tin hướng đến tương lai.
Ví như từ cây bút nhỏ viết nên ước mơ lớn của tập đoàn Thiên Long, đưa hàng hóa bút mực, văn phòng phẩm rộng ra thị trường Đông Nam Á và sang cả Hoa Kỳ (kỳ diệu khi từ hai chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tàng, nay Thiên Long đã có vốn hóa 4 nghìn tỷ đồng).
Hay chuyện Minh Long, nung nấu khát vọng đưa gốm sứ cao cấp thành thương hiệu hàng đầu thế giới và đã có những thành công ấn tượng. Hoặc nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khởi đầu hành trình số hóa trong nông nghiệp như Hương Đất; nỗ lực vì kinh tế xanh của HTX Tam Nông Việt Nam; xây dựng thương hiệu thực phẩm hữu cơ an toàn… là những bước đi đầy trăn trở và bản lĩnh của người Việt trên hành trình hội nhập toàn cầu.
Quảng Nam sẽ đứng ở đâu trong tìm kiếm vận hội cho mình cùng sự phát triển của đất nước? Trả lời câu hỏi đó, cũng sẽ bắt đầu từ việc không chỉ là đặt ra và nói về khát vọng, mà phải cam kết và hành động với tinh thần tự lực, tự cường xây dựng quê hương giàu đẹp!