Từ tiếng rao hàng đến quảng bá sản phẩm

NGUYỄN ĐIỆN NAM 10/09/2023 05:51

“Thân em như tấm lụa đàoPhất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”                                            (Ca dao)

Nếu tái hiện phiên chợ Ba Tư từ cổ tích “nghìn lẻ một đêm” hẳn sẽ nghe những tiếng rao hàng lanh lảnh của những chàng lái buôn sau khi đi qua con đường tơ lụa. Nhưng như câu ca dao người Việt đã mô tả, thân phận của “tấm lụa đào” sẽ trôi nổi với may rủi được khách lựa chọn hay không.

Lại nhớ những tiếng rao bán cà rem từ tuổi thơ, hay thời còn đi học nghe dọc ngang qua Huế tiếng rao “hô-vi-lô” (hoặc chỉ vọng lên tiếng “Lộn không”) cho biết có chị bán vịt lộn đang đi trong tiếng mưa đêm.

Nhiều năm sau tái lập tỉnh, Tam Kỳ còn vang tiếng rao “bánh mì Sài Gòn”, không khác kiểu rao hủ tiếu gõ ở miền Nam. Nay Tam Kỳ còn vài bà bán đậu hũ, thoảng vẫn rao lên trên những con hẻm…

Vậy đó, tiếng rao hàng từ chợ ra đường, đã có từ xưa xa. Nhưng rõ cách rao hàng truyền thống chỉ đủ cho khách biết đó là thứ hàng gì. Giờ đây người ta hay dùng chữ quảng bá sản phẩm, là nói đến mức độ rộng hơn, chuyên nghiệp hơn, với quy mô tổ chức lớn hơn do nhà nước hoặc doanh nghiệp làm.

Xem các sự kiện quảng bá hàng hóa gần đây thấy rõ chuyện này. Năm nào cũng có hội chợ xuân, rồi phát triển thêm các phiên chợ vùng cao, hội chợ OCOP, hội chợ nông sản của nông dân tổ chức trên nhiều vùng miền.

Mới rồi tại Techfest Quảng Nam, đã có 315 gian hàng của doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, cá nhân khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, kết nối giao thương.

Cũng tại ngày hội này đã giới thiệu, quảng bá, trưng bày ý tưởng, dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, OCOP, nông nghiệp thông minh, kết nối du lịch vùng… tiêu biểu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời có sự tham gia mở rộng với hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Sau Techfest, Quảng Nam lại “mang chuông đi đánh xứ người” khi tổ chức “Ngày hội sản phẩm Quảng Nam tại tỉnh Bình Dương năm 2023” (diễn ra từ ngày 6 đến 10/9).

Đã có 35 doanh nghiệp, HTX, làng nghề, sơ sở sản xuất kinh doanh, chủ thể OCOP Quảng Nam tham gia trong một gian hàng chung với nhiều sản phẩm nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… Sự kiện này được tổ chức nhân Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa và Hội chợ công thương vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Bình Dương.

Cách làm hội chợ, phiên chợ, ngày hội mà Quảng Nam đã và đang thực hiện ít nhiều tác động tốt cho việc quảng bá sản phẩm, mở đường cho doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.

Nhưng quảng bá thời hiện đại này luôn cần phải đi kèm với định vị chất lượng sản phẩm, được bảo chứng bởi thương hiệu, nhãn hiệu uy tín thì sản phẩm mới đi xa và có thị trường bền vững.

Vậy nên quảng bá sản phẩm thời nay không chỉ cho biết đó là thứ gì mà còn như thế nào, chất lượng, hữu ích ra sao, tại sao thị trường cần dùng đến nó, ai đã tin dùng nó rồi v.v.

Nhân ngồi cà phê sáng với Phạm Văn Huệ, chủ doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm có trụ sở tại Tam Kỳ cho hay, nhờ cách quảng bá tốt mà các loại sản phẩm như dầu phụng, dầu mè đen nguyên chất Bảo Tâm đã được đưa lên kệ Coopmart, Vinmart, Big C, Mega market…

Và nhiều khách sạn 5 sao thương hiệu nổi tiếng như Sheraton Resort, Windsor Plaza hotel cũng đưa sản phẩm Bảo Tâm vào căn bếp của họ để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên Huệ cho rằng cách quảng bá sản phẩm ở mình vẫn cần phải học hỏi nhiều.

Đơn cử như Hàn Quốc, trên các sản phẩm sâm có gắn logo các tập đoàn lớn như Samsung, LG. Không rõ cách họ nhượng quyền để sử dụng nhãn hiệu và kiểm định ra sao nhưng việc gắn logo các tập đoàn trên sản phẩm của làng nghề, hay thương hiệu sản phẩm từ địa phương đến quốc gia ra quốc tế, là cách bảo trợ để bảo chứng niềm tin cho người dùng. Đó cũng là gợi ý thú vị cho hàng hóa Quảng Nam, rộng ra là Việt Nam, nếu muốn lan tỏa thương hiệu.

Quảng bá tốt sản phẩm là bảo chứng chất lượng và thương hiệu, từ đó thị trường sẽ có sự lựa chọn, cung - cầu sẽ hình thành bền vững, ít may rủi thân phận như chọn lụa, hay thậm chí chọn thứ cần dùng thường ngày, không rơi vào cảnh “buổi chợ đông con cá hồng em chê lạt/buổi chợ xong rồi con tép bạc cũng phải mua”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM