Thao thức ký ức Việt - Hàn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/08/2023 08:35

Nhiều ngả rẽ lịch sử do vô tình hoặc hữu ý mà người Việt Nam và người Hàn Quốc đã gặp nhau, để lại một miền ký ức về mối quan hệ nhân quả đầy thao thức.

Từ duyên cớ tìm hiểu về vụ thảm sát Hà My (Điện Dương - Điện Bàn), tôi đã biết đến trang ký ức đau buồn của người dân nơi đây khi bị lính Đại Hàn bắn giết một cách thảm khốc vào tháng Giêng năm 1968. Một bộ hồ sơ sưu tập lời kể các nhân chứng vụ việc đã được chép lại và lưu giữ tại Bảo tàng Điện Bàn từ năm 1996.

Đến năm 2000, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Dương đã được trợ giúp từ những người Hàn muốn “Xin lỗi Việt Nam” dựng lên một đài bia tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát. Một “Khúc tưởng niệm” đã được tôi chấp bút và chính quyền cùng các nhân chứng thảo luận, sau đó hoàn thiện khắc văn bia.

Tinh thần chủ đạo là “dựng đài bia tạc trên tha thứ, lấy nghĩa nhân mở đường hợp tác phát triển quê hương”, và khúc tưởng niệm như là “một nén tâm nhang vọng giải trời oan yên lòng chín suối” để “ngàn năm mây trắng nguyện cầu xóm làng phồn thịnh bình yên”. Nhưng vì một lý do tế nhị nhằm tránh vướng mắc trong quan hệ ngoại giao, văn bia được che lại bằng những phiến đá mang hình hoa sen (!).

Tưởng đã khép lại một ký ức, nhưng sự thao thức cứ trở đi trở lại với nhiều người bạn phía Hàn Quốc, như Ku Su Jeong (sinh năm 1966, ký giả, tiến sĩ ngành Lịch sử Việt Nam). Từ năm 1999 trở đi, Ku Su Jeong đã công bố nhiều bài báo của mình trên Tạp chí Hankyoreh 21, viết về tội ác của quân đội Nam Hàn khi tham chiến tại Việt Nam.

Đó là các vụ binh lính Nam Hàn tàn sát hàng loạt người dân vô tội, bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em. Ku Su Jeong đã khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” của người Hàn Quốc, đồng thời thông qua Quỹ hòa bình Hàn - Việt, đã tổ chức nhiều hoạt động thăm viếng, giúp đỡ nhân dân ở các vùng có di tích thảm sát, dựng bia tưởng niệm và dự nhiều “đám giỗ tập thể”, trong đó có làng Hà My và Phong Nhị (Điện Bàn).

Tiếp nối Ku Su Jeong, đến lượt Koh Kyoung Tae (nhà báo, làm việc ở tờ Hankyoreh, Hàn Quốc) từ hồ sơ giải mật của Mỹ đã đến Phong Nhất, Phong Nhị (Điện An, Điện Bàn) để tìm hiểu câu chuyện thảm sát của lính Nam Hàn.

Koh Kyoung Tae đã dày công khảo sát, ghi chép lời kể các nhân chứng để dựng nên cuốn sách đầy đặn “12/2/1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam)”.

Rồi đến ngày 2/8 vừa qua, Koh Kyoung Tae lại đến phỏng vấn tác giả văn bia “Khúc tưởng niệm” Hà My. Trong cuộc trò chuyện, Koh Kyoung Tae tỏ bày sự xúc động về nội dung văn bia và thao thức khôn nguôi về việc che lại nó sau khi dựng lên.

Trình bày cảm nghĩ của mình với nhà báo Hàn Quốc, tôi chợt nhớ lại nỗi trăn trở tương tự nhưng không đến từ người Hàn mà là của một nhà báo ở Vương quốc Anh, là Nick Davies - phóng viên kỳ cựu của The Guardian. Nick Davies gặp tôi năm 2015 và cũng đã nhận được câu trả lời là sự thật lịch sử, dù đau buồn cũng không thể viết lại, phải thức nhận đầy đủ di sản ký ức để hòa giải và hướng đến tương lai hòa bình tươi đẹp. 

Ku Su Jeong, Koh Kyoung Tae (Hàn Quốc), Nick Davies (Anh) và kể cả Masako (Nhật Bản) mà tôi may mắn từng gặp hoặc biết mối quan tâm của họ, cho sự cảm nhận rằng những thao thức về chiến tranh gây nỗi đau thân phận con người, sẽ luôn là câu chuyện mang tính nhân loại. 

Người Pháp, người Nhật, người Mỹ, người Hàn…, từng đi qua mảnh đất Việt với khúc quanh lịch sử chiến tranh. Thao thức ký ức là điều cần, nhưng cần hơn, sâu thẳm hơn là giờ đây dậy lên những lời từ trái tim đến trái tim để đánh thức thiên lương, hướng thiện, để nguyện cầu họ cùng người Việt chúng ta trở thành những người bạn mãi mãi chung sống trong hạnh phúc hòa bình.

Thiển nghĩ, dòng mạch nhân văn, sự trăn trở về nghĩa nhân - đạo làm người, cùng nỗi khao khát hòa bình là những điều cốt yếu để làm nên tình bạn, cho những mối bang giao bền vững muôn đời.

NGUYỄN ĐIỆN NAM