Tiếng kêu "giải cứu" từ phía khác
Vụ án “chuyến bay giải cứu” được đưa ra xét xử trong tuần qua lại dấy lên những mối quan tâm của dư luận.
Đâu cũng thấy bàn ra tán vào, báo mạng xôn xao. Thật đau xót khi một chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước đã bị những kẻ trong đường dây ăn tiền bẩn làm hoen ố, gây sự phẫn nộ của đông đảo nhân dân. Đáng buồn là có một nhân vật từng là cựu lãnh đạo của Quảng Nam cũng dự phần trong một “phiên tòa lịch sử” mà sự xấu hổ không kể xiết với tay đã “nhúng chàm”.
Việc gì đến ắt phải đến, nhân quả nhãn tiền đấy thôi. Dù tòa tuyên án nặng nhẹ thế nào thì dư luận vẫn râm ran mà ai làm công tác tư tưởng cũng phải toát mồ hôi hột để đúc kết bài học đắng cay này như một lời cảnh báo nghiêm trọng về sự suy thoái đạo đức cán bộ.
Không thể chấp nhận cái gọi là “văn hóa phong bì” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của một bộ phận cán bộ đến mức như nhiều cựu quan chức trả lời ngây ngô trước tòa về việc nhận hối lộ rằng đó là “cảm ơn”, là quà biếu đương nhiên. Nhưng quà biếu cảm ơn gì đến mức tặng cả gia tài, và việc nhận tiền hối lộ không thể biện minh là “trót tay” với chín mười lần, thậm chí hàng trăm lần (!?).
Qua vụ việc này càng chứng minh điều mà tại diễn đàn họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã đúc kết, trong đội ngũ cán bộ xuất hiện một bộ phận thực thi công vụ để kiếm chác, khi không kiếm chác được gì thì không làm. (Bên cạnh đó còn hai loại khác là loại sợ không dám làm vì năng lực kém; loại biết mà không muốn là vì sợ trách nhiệm, thờ ơ vô cảm).
Đáng lên án là dù một cá nhân, hay đường dây cán bộ tham ô, tham nhũng, tiêu cực đã làm cho sự vận hành chính sách méo mó, tạo khó khăn thêm cho đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, gây mất niềm tin của nhân dân.
Đối với Quảng Nam, cần nhìn nhận có 3 loại cán bộ như đã nói không? Nếu có thì giải pháp đặt ra là gì? Bởi muốn làm cho dân tin, hẳn phải nhìn thẳng vào sự thật, không thể né tránh, để rồi từ những đúc kết đó, nói về những khao khát cống hiến cho đất nước, quê hương, cho đồng bào mình.
Tạm gác qua bên vụ “chuyến bay giải cứu” thì thấy bao điều khác cần “giải cứu” mà tiếng kêu dậy lên ở nhiều lĩnh vực đời sống. Như tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, do UBND tỉnh tổ chức, rất nhiều khó khăn vướng mắc đã được nhận diện.
Là kinh tế suy thoái, giảm sâu tốc độ tăng trưởng (giảm 9,2% so cùng kỳ năm trước). Là nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, lao động mất việc làm. Là bao dự án, công trình dở dang, thêm nữa có nhiều công trình dự án dù đã hoàn thành cả chục năm nhưng tạm ứng vượt quyết toán nay phải thu hồi nợ.
Là tình hình giải ngân bị nghẽn như “cục máu đông”. Là nợ sổ đỏ của dân ở nhiều dự án tái định cư, dự án bất động sản. Là câu chuyện tiêu dùng thiết yếu như điện nước mà không ít “vùng lõm” kêu ca.
Là khiếu nại, kiện tụng về đất đai chưa ngớt. Là ô nhiễm môi trường, sạt lở sông biển ảnh hưởng dân sinh. Là kiến thiết thị chính của nhiều đô thị dở dang khớp nối hạ tầng…
Hoàn toàn không muốn truyền đi thông điệp với năng lượng xấu, nhưng muốn có năng lượng tích cực, hẳn cần phải có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong tháo gỡ nhiều phần khó khăn, thách thức mà Quảng Nam đang đối mặt.
Tuần qua, nhân sự kiện khởi công một dự án liên kết vùng, tác giả bài này có trao đổi với một vị lãnh đạo tỉnh rằng cần biết bao những động thái, những dự án mới để tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Quảng Nam. Bởi, cứ nhìn một vùng đất nào mà có nhiều hay ít dự án, công trình mới được khởi công, khánh thành, sẽ thấy bức tranh đầu tư phát triển thế nào.