Ngạc nhiên chưa, tiền không tiêu được!

ĐĂNG QUANG 16/07/2023 07:56

Dòng tiền đầu tư luôn là mối quan tâm hàng đầu. Tăng trưởng hay không cũng từ đó. Công ăn việc làm, thu nhập, thuế má… có được cũng là hệ quả của dòng tiền đầu tư, cả nhà nước lẫn tư nhân. Nhưng nghịch lý có tiền mà tiêu không được cho đầu tư là bài toán khó giải nhiều năm qua.

Theo dõi kỳ họp HĐND tỉnh vừa rồi, vấn đề đặt ra gay gắt vẫn là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá ì ạch. Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, tính đến hết ngày 23/6/2023, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân hơn 1.635 tỷ đồng, đạt 17,7%; trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân hơn 1.304 tỷ đồng, đạt 16,8%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài (hơn 1.478 tỷ đồng) giải ngân gần 330 tỷ đồng, đạt 22,4%. Nếu tính đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 20,6%, thấp hơn so với cả nước (28,2%).

Đáng lo là tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát đạt rất thấp.

Đơn cử, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân đạt 17,1%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 5,6%; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân đạt 20,9%...

Có lẽ quá nóng ruột với tiến độ giải ngân như vậy nên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã phê bình quyết liệt chuyện “khi không có tiền thì than vãn, còn khi có tiền rồi thì không chịu làm” của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Gay gắt hơn, như chuyện nguồn vốn 296 tỷ đồng của 76 trạm y tế, nếu cuối năm này không hoàn thành, thì Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu xem xét trách nhiệm, điều Giám đốc Ban quản lý dự án tỉnh làm việc khác, và cả một số huyện, thị xã đã có tiền mà tiêu không được, nếu nguồn vốn giải ngân chậm, không đúng thời gian, người đứng đầu cũng phải bị điều đi.

Xử lý trách nhiệm thế nào thì tính sau khi đến thời hạn, nhưng vấn đề là làm sao tìm giải pháp hữu hiệu để đưa sớm dòng tiền vào nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư? Có ý kiến cho rằng còn vướng mắc về cơ chế.

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao cùng cơ chế như nhau mà các tỉnh khác làm được. Đơn cử như ở tỉnh Hưng Yên, ngay thời điểm hết tháng 1/2023, đã thực hiện giải ngân 9.792 tỷ đồng, đạt 214,3% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong hàng loạt giải pháp mà Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đưa ra tại kỳ họp vừa qua, có nhấn mạnh phải “tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình MTQG và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023; tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025”.

Tổng quát là vậy, nhưng bức tranh đầu tư có sáng sủa lên hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố nữa. Đầu tiên là giải tỏa những vướng mắc do hồ sơ thủ tục quá rườm rà, nhất là công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quyết toán dự án.

Thứ nữa là tháo ách tắc giải phóng mặt bằng cho các dự án. Cùng lúc là các sở, ngành và địa phương phải thực sự xáp vô phối hợp, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Không quá ngạc nhiên khi mỗi địa phương, mỗi tỉnh giải ngân đầu tư công chậm thì tiền vốn đọng lại ở Ngân hàng Nhà nước trung ương nhiều, đến cả 1 triệu tỷ đồng. Nhưng trung ương cũng phải thực hiện cơ chế cắt vốn, điều chuyển vốn, nếu các tỉnh không đảm bảo tiến độ giải ngân, để vốn đọng. Vậy không thể để cảnh có tiền mà không tiêu được!

ĐĂNG QUANG