Chuyện cũ, đọng cả tủ hồ sơ
Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội là các cuộc tiếp xúc cử tri lại diễn ra. Theo dõi mấy năm gần đây, thấy không khỏi ngạc nhiên là nhiều phản ánh của cử tri lặp đi lặp lại nhiều nội dung, nhưng chuyện cũ đựng cả tủ hồ sơ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Điển hình là chuyện liên quan đất đai, quy hoạch, đầu tư… nhiều thứ dở dang làm cho dân vẫn bức xúc hoài. Đơn cử, cái sổ đỏ - giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều nơi vẫn treo nợ.
Đất tranh chấp không nói làm gì, chứ có trường hợp khá lạ là ở xã Duy Hải (Duy Xuyên), còn 178 trường hợp người dân đã vào các khu tái định cư, xây dựng nhà ở kiên cố qua nhiều năm nay và đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Còn về tình trạng quy hoạch treo, người dân lên tiếng, báo chí cũng đề cập không ít, nhưng nhiều dự án vẫn “án binh bất động” khiến cho nhà cửa, hạ tầng chẳng thể nâng cấp, sửa sang.
Dẫn ra ví dụ là Khu dân cư Làng chài xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) với quy mô dự án 721ha đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) từ tháng 10/2008, đến nay đã 15 năm nhưng chưa có văn bản nào cho biết có tiếp tục thực hiện dự án hay không và còn hiệu lực không.
Lại như Duy Hải gần đó, có hơn 200 trường hợp nhà ở nằm trong vùng đã công bố quy hoạch bị xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ. Bên cạnh các dự án quy hoạch treo thì có nhiều khu tái định cư đã được triển khai nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, các dự án thi công dở dang nên gây ngập úng cục bộ vào mùa mưa lụt, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Hay như vùng đông Điện Bàn, bao nhiêu lần cử tri kiến nghị nhà nước có biện pháp xử lý thu hồi đất đối với các dự án được giao đất nhưng không triển khai, vẫn “treo”, trong khi nhân dân quanh vùng không thể sửa chữa nhà ở. Và suốt dải vùng đông Quảng Nam có không ít dự án đã được kiểm kê đất, thông báo áp giá đã qua nhiều năm trời nhưng không thực hiện chi trả tiền đền bù và giải phóng mặt bằng.
Một vướng mắc nữa đụng đến quyền lợi của người dân là việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quá trễ khiến người dân mỏi mòn chờ mà không được chuyển mục đích sử dụng đất, trong khi đủ thứ quy hoạch mới phát sinh.
Những chuyện kể trên không mới. Vấn đề là những đòi hỏi chính đáng của người dân đã phản ánh nhiều lần thì chính quyền càng phải xử lý rốt ráo do nhu cầu đời sống người dân phát sinh từ hệ lụy của thực trạng đó.
Có lý do được viện dẫn biện bác cho tiến độ giải quyết chậm trễ những kiến nghị của cử tri là do cái khó chung của nền kinh tế. Cái khó bó tùm lum từ nhà đầu tư lẫn chính quyền. Nhưng cái khó do kinh phí đầu tư có thể tìm được sự cảm thông, còn những dự án, những nhà đầu tư vì mục đích đầu cơ chiếm đất mà không thi công thì cần kiên quyết thu hồi.
Và thiết tưởng cũng nên “liệu cơm gắp mắm”, bởi qua rồi cái thời đâu cũng cố làm khu, cụm công nghiệp, “chạy” dự án với chính sách “trải thảm đỏ” rồi không biết nhà đầu tư đi về đâu. Đoạn này, cái gì nhắm có thể làm được thì làm dứt điểm cho bà con nhờ, đừng bày chuyện quy hoạch dự án tùm lum rồi “treo” cả chục năm.
Thiển nghĩ cùng với việc triển khai “công tác đặc biệt” nhằm tháo gỡ vướng mắc các dự án và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh vẫn cần tiếp tục kiểm tra, rà soát, thu hồi các dự án quy hoạch không thực hiện như cam kết. Không thể để nhiều quy hoạch treo như... đem cất trong tủ hồ sơ, bởi càng để lâu càng kéo theo nhiều hệ lụy đối với bức tranh đầu tư và ổn định dân sinh.