Sống nhà già mồ
“Sống nhà già mồ” là tập quán ứng xử mang tính truyền thống của người Quảng nói riêng, người Việt nói chung. Theo đó, người ta cầu sự an trú gắn với ngôi nhà lúc tại thế, còn khi về cõi vĩnh hằng thì ngôi mồ là chỗ yên nghỉ cùng cát bụi.
Ở xứ Quảng, người Kinh tại đồng bằng thường quan niệm vậy. Còn đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, dù có khác đôi chút là khi sống thì khao khát dựng gươl cho cộng đồng, chết qua một thời gian là “bỏ mả”, hoặc đưa xác thân hòa vào rừng thiêng vĩnh viễn, nhưng họ vẫn chăm chút cái đẹp của nhà mồ, để lại những dấu tích kiến trúc đặc sắc.
Suy nghiệm lẽ tồn sinh trong tập tục như thế để thấy tại sao chuyện xây nhà cửa cho người sống, làm nghĩa trang cho người chết luôn thu hút sự quan tâm. Trong mươi năm trở lại đây, khi trào lưu đô thị hóa mạnh mẽ, càng khiến nhu cầu đất đai làm nhà ở và nghĩa địa trở nên nóng bỏng.
Không rẻ, muốn tậu được lô đất làm nhà tại các thành phố như Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn,… nay phải bỏ ra hàng tỷ đồng. Còn những “thành phố người chết” thì càng thêm đông đúc đến chen chân không lọt như các nghĩa địa ở xứ Quảng, từ Vườn Ươm, Bàu Sen (Điện Bàn) đến Gò Trời (Tam Kỳ)…
Minh chứng cho vấn đề nóng bỏng nhu cầu “sống nhà già mồ”, có thể dẫn ra hai câu chuyện đang hồi gay cấn ở Quảng Nam. Một là nhà ở xã hội. Hai là nghĩa địa cho người chết.
Nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân lao động… đang là mối quan tâm bức thiết không chỉ của Quảng Nam. Diễn đàn Quốc hội cũng đã nêu lên nhiều lần. Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở một số khu công nghiệp của Quảng Nam, công nhân lao động cũng kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ cho họ mua được nhà ở. Tuy nhu cầu rất lớn nhưng việc xây dựng lại ách tắc.
Nhiều dự án nhà ở xã hội đến nay đều chưa hoàn thành như Chung cư nhà ở xã hội trong Dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty cổ phần STO tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc; Chung cư nhà ở xã hội trong Dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty TNHH Bất động sản Châu Âu (tại Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn).
Khu vực phía nam, ngoại trừ dự án khu nhà ở công nhân của Công ty Panko tại thành phố Tam Kỳ, diện tích khoảng 5,1ha, đã hoàn thành giai đoạn 1 với 200 căn phục vụ nhu cầu công nhân Công ty Panko, thì nhiều dự án khác vẫn dang dở.
Đặc biệt vùng lõi Khu kinh tế mở Chu Lai là Núi Thành, có dự án Khu nhà ở công nhân Tam Hiệp do Công ty cổ phần Danatol làm chủ đầu tư (khoảng 1,3ha, gồm 600 căn nhà ở chung cư, khoảng 33.000m2 sàn) vẫn chậm triển khai, nên mới đây UBND tỉnh yêu cầu xúc tiến thực hiện đảm bảo tiến độ, nếu không sẽ thu hồi.
Còn chuyện nghĩa trang, đang nóng ở dự án Nghĩa trang nhân dân Nỗng Tranh (huyện Quế Sơn), quy mô 10ha. Dự án được giao cho một doanh nghiệp triển khai thi công, trong đó có hạng mục tận thu đất dư thừa. Tuy nhiên, sau nhiều năm, doanh nghiệp đã tận thu khoảng 400.000m3 đất mà nghĩa trang thì vẫn chưa nên hình, khiến chính quyền phải chỉ đạo thanh tra toàn diện.
Cuộc sống có thể vận động theo chiều kích bình thường như muôn năm cũ, nhưng cũng luôn xuất hiện điều bất thường và khác lạ. Lạ hóa là có khi người ta sống trải nghiệm khắp nơi, lấy mây gió cây cỏ bốn phương làm nhà, chết thì hỏa táng rải tro cốt ra sông biển.
Nhưng chuyện thường hằng với số đông quen tập quán cư xử truyền thống vẫn trở về quan niệm “sống nhà già mồ”. Tuy vậy, xem ra việc đáp ứng nhu cầu “sống nhà già mồ” cũng là nỗi khổ từ quá khứ đến hiện tại và vị lai!