Vọng lời nước non

NGUYỄN ĐIỆN NAM 07/05/2023 08:25

Từ Quảng Nam, có dịp thực hiện cuộc hành trình ra Bắc, chúng tôi “thu hoạch” kha khá những trải nghiệm qua nhiều vùng đất, con người, lịch sử và văn hóa. Và mạch nguồn xuyên suốt qua nhiều địa danh nổi tiếng, cứ thấm dần vào tâm khảm là lời nước non vọng lại hãy giữ bức dư đồ Đại Việt toàn vẹn trong tình yêu Tổ quốc truyền đời.

Dừng chân ở cố đô Hoa Lư, kinh thành Tràng An đã nghe vọng từ nghìn năm với bức thành đá vôi nối kết vây quanh 99 ngọn núi chứa nhiều hang động, trong đó ngọn Yên Mã còn in dấu khát vọng của vua Đinh Tiên Hoàng lập nên Đại Cồ Việt “Chính thống thủy” trấn giữ trời nam, khóa chặt cửa bắc (Bắc môn tỏa thược), rồi vua Lê Đại Hành tiếp bước dựng thành “Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nước Đại Cồ Việt sánh ngang với nước Tống - Kinh đô Hoa Lư bề thế như kinh đô Tràng An của nhà Hán).

Về Tràng An càng thấu chuyện xưa về Thái hậu Dương Vân Nga, bậc nữ lưu anh hùng một lòng vì nước mà chuyển giao long bào từ nhà Đinh cho nhà Lê, vỗ an lòng dân trăm họ đoàn kết chống giặc phương Bắc.

Tường thành đá của nước Nam dường như đã được hóa công sắp đặt, không chỉ từ Tràng An mà lên đến Hà Giang là trập trùng đá dựng.

Dừng ở Vị Xuyên, một nghĩa trang quốc gia nghi ngút khói hương trong dịp kỷ niệm 48 năm thống nhất đất nước, khi thỉnh hồi chuông nguyện anh linh liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới, lòng chúng tôi lại vang ngân câu thề khắc trên báng súng của người anh hùng Nguyễn Viết Ninh “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.

Đâu phải chỉ 10 năm (1979-1989), khoảng 4.000 liệt sĩ đã nằm lại mặt trận Vị Xuyên, mà đã nghìn năm trôi qua có bao bậc tiền bối, anh hùng nghĩa sĩ đổ máu xương giữ mảnh đất địa đầu chống giặc phương Bắc xâm lược.

Họ có thể là người dân bình thường trong đời sống bình thường còng lưng leo lên núi xếp từng bậc đá chắt chiu nắm đất ủ ấp cho hạt ngô (bắp) lên xanh. Nhưng khi có chiến tranh, hàng triệu người sẵn sàng ra trận, cầm súng giữ biên cương.

Cũng chính những con người sống bám đá đã làm nên “con đường Hạnh phúc” xuyên qua cao nguyên đá Hà Giang, xây thành biểu tượng đại đoàn kết dân tộc, thành huyết mạch cho sự tồn sinh của vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Đất nước qua bao sóng phế hưng, hết chống giặc phương Bắc tới giặc phương Tây, từng trải bao đọa đầy máu lệ. Bởi thế mà đi dọc dài qua nhiều miền đất của Tổ quốc, đâu cũng dễ nhìn thấy những nghĩa trang, đền đài thờ tự những anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân.

Từ nghĩa trang Vị Xuyên trở về nghĩa trang Trường Sơn, càng thấy sự hy sinh vô bờ của Nhân dân qua bao cuộc chiến chinh chống giặc ngoại xâm để giữ nền độc lập, thống nhất đất nước. Cũng như khi đứng dưới cột cờ Lũng Cú, hay cột cờ bên bờ Hiền Lương, mới thấu cảm bao máu xương đã thắm đỏ màu cờ.

Làm sao để những ngọn cờ ấy mãi tung bay giữa bầu trời hòa bình là chuyện của các thế hệ hôm nay và mai sau. Làm sao để không lặp lại nỗi đau thương vì chiến tranh thì phải biết xây bức tường thành đại đoàn kết dân tộc, như lời thề khắc trên đá núi nghìn năm.  

Như nghìn năm còn soi bóng cố đô Hoa Lư…
Như triệu năm đá dựng cả vòng cung biên cương…

NGUYỄN ĐIỆN NAM