Bão mạng bão lòng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/04/2023 07:32

Cơn bão mạng về việc Hội An thu phí tham quan - một câu chuyện nóng có thể xem là trường hợp nghiên cứu (case study) về khủng hoảng truyền thông.

“Mồi lửa” khi có thông tin đưa ra là Hội An sẽ thu mỗi vé người lớn từ 80 nghìn đồng (với khách nội địa), 120 nghìn đồng (với khách nước ngoài) khi vào tham quan di sản phố cổ.

Bão mạng lập tức nổi lên hàng loạt câu hỏi đặt ra là ai vào phố cổ đều chịu thu phí hay sao, nếu không tham quan có phải mua vé, những người vào vì những việc hiếu hỷ, sinh hoạt giao lưu thông thường có phải trả tiền, thậm chí có câu hỏi nghe rất đắng miệng là ăn chén chè bắp, cái bánh tráng đập, tô cao lầu… cũng gánh phí thì đắt đỏ quá (!).

Cơn bão mạng như tăng thêm cấp độ giật khi báo chí vào cuộc. Nhiều tờ báo xoay quay lãnh đạo Hội An để hỏi. Trong đó có tờ báo đặt câu hỏi làm sao phân biệt được khách du lịch và khách là người địa phương lân cận đến Hội An vì việc cần mà không tham quan gì. Giọt nước tràn ly khi có vị trả lời rằng sẽ huy động lực lượng là người Hội An ra “nhận diện” khách, hoặc tương lai sẽ dùng camera để phát hiện những người trốn vé (?).

Bão trên mạng và báo chí cũng phân thành nhiều luồng, trong đó hai luồng cơ bản là ủng hộ/không ủng hộ việc thu phí. Lời lẽ mỗi lúc đấu khẩu mỗi căng, phía ủng hộ thì cho rằng không thể đi du lịch mà vẫn giữ thói quen “xài chùa”, phía phản đối nói việc “dựng BOT”, “rào phố thu tô” là giết chết du lịch Hội An.

Có người còn phê phán gay gắt vì cho rằng việc thu phí và phân biệt khách là “não trạng cát cứ”, rồi nghi ngờ việc làm này để “tận thu” do kinh tế khó khăn (?). Cơn bão còn lan xa rộng và hút vào thêm những nhà báo có tiếng tăm, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa…

Trong những ngày qua, lãnh đạo Hội An đã phải trực tiếp trả lời báo chí, có báo còn nhanh chân đến phỏng vấn cựu bí thư Thành ủy Hội An để nêu quan điểm xử lý vấn đề. Té ra chuyện chỉ mới là phương án thôi, phải tới 15/5 mới xem xét có thực thi hay không.

Rồi việc thu phí khách tham quan di tích đã thực hiện hàng chục năm rồi, nhưng vì có doanh nghiệp lữ hành không mua vé cho khách, nên chừ Hội An siết chặt biện pháp quản lý để thu đúng đối tượng. Vậy ai đến tham quan di sản di tích phải mua vé, còn đi dạo trên đường phố, ăn uống thì chẳng hề chi.

Qua cơn bão mạng này mới thấy mấy chuyện phải suy nghĩ về xử lý khủng hoảng truyền thông. Đó là khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi, nhưng chỗ nào càng có thương hiệu càng được nhiều người quan tâm thì bão càng lớn, nên cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ càng khi đưa ra vấn đề gì quan hệ hình ảnh Hội An.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng truyền thông phát khởi từ việc đưa ra phương án quản lý thu phí nhưng không được truyền thông bài bản, giải thích về đối tượng tác động của chính sách không rõ ràng.

Việc xử lý khủng hoảng ban đầu lúng túng, nhất là cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn báo chí thiếu nhất quán giữa người này người kia, thậm chí có người như “mang xăng chữa lửa” khi va vấp từ ngữ nhạy cảm, phản cảm…

Chúng ta đang sống trong cái mạng nhện chằng chịt phương tiện truyền thông hiện đại. Công việc, sinh hoạt ăn ở đi lại, du lịch… dường như luôn có con mắt thiết bị điện tử viễn thông dòm ngó, chỉ cần sơ sểnh kiểm soát thông tin, hình ảnh, lời nói thì ngay lập tức bị chộp bắt, lan truyền nhanh đến chóng mặt.

Vì vậy, những cơn bão mạng – khủng hoảng truyền thông, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đời sống cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu biết cách xử lý tốt thì có thể “biến đám cháy thành pháo hoa”, nhưng với Hội An, chuyện này đã làm tổn hại hình ảnh thương hiệu, trở thành cơn bão lòng đáng buồn.

NGUYỄN ĐIỆN NAM