Thảng thốt những cuộc chạy...

ĐIỆN NAM 12/03/2023 08:04

“Tý hư, Sửu hao, Dần bất lợi”, những tưởng sau 3 năm dịch giã thiên tai đã đủ thấm nỗi khổ rồi, nhưng vừa bước sang năm con mèo lại lèo nhèo đủ chuyện. Và những cuộc lo âu đây đó đang cuốn chạy nhiều phận đời…

Đầu tiên là cuộc chạy ngược lại thành phố của số đông lao động. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 có gần 637.000 lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm; trong đó có tới 53.674 người bị mất việc.

Trước thực trạng đó, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động đã đưa những biện pháp hỗ trợ, như hỗ trợ chi phí đi lại, y tế, sắp xếp chỗ ăn ở, hỗ trợ tiền mặt… nhằm giúp ổn định thị trường lao động.

Nghĩa là sau làn sóng ly thị để hồi hương về nông thôn vì dịch COVID-19 và sau thời gian nghỉ tết “dài hơi” do chờ đơn hàng, nay thì nhiều người lại ly nông quay ra phố tìm việc.

Nhưng ở phố, khu công nghiệp, trừ những doanh nghiệp lớn có được đơn hàng, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn lao đao do thoái trào của nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn ở mảng du lịch, dịch vụ chậm phục hồi vì mạng lưới đứt gãy trong đại dịch quá lớn, thị trường khách quốc tế qua nhiều nước chưa nối lại, khách nội địa thu nhập thấp không dám tiêu dùng hào phóng.

Có chính sách hữu ích nhưng mặt trái cũng vô tình tác động tạo điểm nghẽn trong dịch vụ, như xử phạt nặng nồng độ cồn khiến khách hàng dè dặt, nhiều cơ sở doanh nghiệp phục vụ ăn uống giải khát và hàng quán đóng cửa. Một số lĩnh vực khác lại gặp khó vì nguồn cung nguyên vật liệu tăng giá chóng mặt.

Như ở Quảng Nam, Đà Nẵng thiếu cát sạn xây dựng, giá cao, nhiều công trình đứng bánh. Đơn cử mới đây, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Tam Kỳ  đã có báo cáo về việc Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ xin dừng thi công 12 công trình trên địa bàn thành phố mà doanh nghiệp trên trúng thầu.

Lý do xin dừng vì giá cả vật tư, nguyên vật liệu biến động tăng đột biến, lãi suất vay ngân hàng rất cao và bị siết chặt; tài chính của nhà thầu tại thời điểm này rất khó khăn, không đảm bảo được nguồn lực để tiếp tục thi công các công trình… Hiệu ứng ngược khi doanh nghiệp gặp khó, bỏ dự án “tháo chạy” thì kéo theo công nhân, người lao động mất việc.

Nếu công nhân, người lao động đang có những cuộc chạy cùng doanh nghiệp tìm việc, tìm đơn hàng, thì phía nông dân cũng có cuộc đua với… ông trời để mùa màng đỡ thất bát.

Chưa bao giờ ở Quảng Nam sau tết lại có kiểu thời tiết “5 nóng, 5 lạnh” thất thường như vậy khiến sâu bệnh nảy nở, thêm khô hạn ở nhiều vùng xuất hiện. Còn ở phía biển, sóng xâm thực cuốn trôi nhiều ngôi nhà, gây sạt lở bờ biển huyện Duy Xuyên, Núi Thành và đánh vỡ bờ kè ở TP.Tam Kỳ.

Cửa Đại (Hội An) đã và đang được đầu tư khá lớn để kè chắn nhưng sạt lở chưa ngưng, khiến nhiều doanh nghiệp du lịch có nguy cơ trở thành còng gió xây lâu đài trên cát. Đi dần về phía trong An Lương, Duy Hải, Bình Hải, Tam Thanh,… vào đến Cửa Lở vẫn chưa thôi lở, nhiều nhà dân tháo chạy vì sóng biển đã ngoạm sát mép rồi.

Kể dăm ba chuyện về những cuộc chạy đủ thấy những thách thức, khó khăn trong đời sống kinh tế, xã hội của năm 2023 đã hiển hiện. Để giảm bớt lo âu vì những cuộc chạy ấy cần vai trò hỗ trợ của chính quyền rất lớn.

Chính quyền các cấp còn phải cần kíp lo cho chạy việc công, nhất là khâu phê duyệt dự án, thúc đẩy đầu tư vì nhiều công trình đứng bánh; lo chạy thuốc cho bệnh viện; lo xúc tiến các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (đang rớt tiêu chí)…

Quý 1 năm 2023 sắp trôi qua, thảng thốt vì những cuộc chạy lại càng cần phải dày lên ý chí vượt khó thì mới có hy vọng duy trì được sự tăng trưởng và phát triển! 

ĐIỆN NAM