Giảm nghèo miền núi, còn gieo neo giải pháp
Công cuộc giảm nghèo của Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, sẽ còn cần nhiều giải pháp và nỗ lực từ nhiều phía và ngay chính ở người nghèo/cận nghèo mới đạt được kết quả thực chất, bền vững.
Nói thế là bởi dù thành tựu xóa đói giảm nghèo của cả nước rất ấn tượng (đáng chú ý là tỷ lệ nghèo đa chiều trong dân tộc thiểu số giảm đi một nửa trong vòng 1 thập niên) nhưng kết quả điều tra, rà soát chuẩn nghèo đa chiều mới cho thấy tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022).
Con số này được nêu trong Báo cáo Nghèo Đa Chiều 2021 (nhưng được công bố hồi cuối tháng 7/2022), do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện.
Báo cáo này cũng chỉ rõ tỷ lệ nghèo vẫn còn có sự chênh lệch, phân bố chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 14% tổng dân số, chiếm 3,4% diện tích cả nước), và dự tính có thêm 10 triệu người nghèo trong giai đoạn 2021-2025.
Ở Quảng Nam, báo cáo mới đây của UBND tỉnh về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là: 29.146 hộ, tỷ lệ 6,63% (giảm 3.981 hộ nghèo). Trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 7,7%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 10,02%.
Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước (năm 2021: 5,2%; năm 2022: 4,03%), nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; số lượng thôn đặc biệt khó khăn, xã nghèo đặc biệt khó khăn và huyện nghèo còn nhiều (230 thôn đặc biệt khó khăn; 58 xã đặc biệt khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 6 huyện nghèo).
Trên cơ sở đánh giá thành tựu và hạn chế, Báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh (Báo cáo số 22 ngày 8/2/2023) đã đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.
Trong nhiều giải pháp, có việc đề xuất tiếp tục nghiên cứu chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn miền núi, huyện nghèo; khuyến khích và ưu tiên cho doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phát triển các dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Có thể nói đây là một trong những vấn đề nhiều năm vẫn chưa tháo gỡ căn bản để “có chính sách khuyến khích đủ mạnh” kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp vào miền núi. Gieo neo tìm biện pháp cụ thể cho các dự án cụ thể thường vướng mắc cả về đầu tư hạ tầng, chính sách đất đai, các quy trình thủ tục liên quan pháp luật...
Có nhận định và gợi ý về tổ chức thực hiện các chương trình đầu tư vào miền núi, theo PGS.TS Trần Văn Ơn trong một bài phỏng vấn trên Tuổi trẻ chủ nhật, rằng “Điều khiến người dân miền núi mất tự tin là các chương trình, các diễn ngôn phát triển lúc nào cũng đòi hỏi những điều ở tầm vĩ mô quá: phải sản xuất hàng hóa tập trung, phải làm lớn, phải áp dụng công nghệ hiện đại, gần đây là phải theo kịp cách mạng công nghiệp 4.0…
Càng nghe những to tát ấy, họ càng tự ti nói là không làm được. Nhưng khi mình nói khác đi “các anh chị cứ làm dần, làm từ bé đến lớn” là họ sẽ tự tin làm”. Như thế việc giảm nghèo, muốn bớt sự gieo neo về giải pháp, phương pháp, cách làm thì phải dựa vào chủ thể là cộng đồng người dân, đặc biệt làm nhiều để thực chứng cho người dân làm theo mà thoát nghèo, chứ không nên nói nhiều điều đại ngôn.