Sức sống của huyền thoại
Noel, Christmas, hay lễ Giáng sinh là lễ hội kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giê-su, được tổ chức vào 25 tháng 12 hằng năm. Tuy là một dịp lễ tôn giáo nhưng lại gắn liền với sinh hoạt văn hóa của hàng tỷ người trên thế giới.
Cũng như kỷ niệm ngày đản sanh đức Thích Ca vào 14 tháng Tư (âm lịch) đã trở thành lễ hội, không chỉ cho phật tử mà còn hàng tỷ người tham dự.
Vào những dịp như vậy, chúng ta lại nghe kể về huyền thoại, mô tả gốc tích và sự khởi nguyên của con người mang vẻ đẹp thần thánh. Như đấng Giê-su được sinh ra bởi Đức mẹ đồng trinh Maria, vừa ra đời nằm trong máng cỏ đã có các thiên sứ loan tin và được những nhà thông thái theo ngôi sao dẫn đường đến dâng lên chúa hài đồng các phẩm vật.
Còn Phật Thích Ca được hoàng hậu Maya hoài thai trong giấc mộng thấy 4 vị thiên thần nâng 4 góc giường bay thẳng lên đỉnh Hymalaya. Nơi đây có một con voi trắng 6 ngà từ trên trời bay xuống và chui vào hông phải của bà. Hoàng hậu giựt mình tỉnh giấc, cảm thấy trong người mát mẻ dễ chịu, tinh thần sảng khoái và đã… thọ thai.
Đến ngày gần khai hoa nở nhụy bà vịn cành hoa Vô Ưu mà sinh ra đức Phật. Tích cũ kể tiếp, đức Phật vừa lọt lòng mẹ đã bước đi bảy bước, mỗi bước có một hoa sen nở để đỡ lấy chân Ngài.
Huyền thoại dĩ nhiên nhuốm màu huyền bí, choàng lên chiếc áo nhiệm màu. Không chỉ các tôn giáo mà cổ tích loài người, chuyện khởi nguyên các dòng họ đều có màu sắc ấy.
Như truyền thuyết dân tộc Việt sinh ra từ cha Rồng mẹ Tiên, trong một bọc trăm trứng nở trăm con. Rồi cùng là đồng bào nhưng 54 dân tộc anh em lại có huyền thoại của tộc người mình. Như dân tộc Chứt (ở Quảng Bình) có truyện cổ kể rằng Pụt sinh ra cái bọc có hai trứng, nở ra thành hai người, sau thành hai dân tộc: Chứt và người miền xuôi.
Hay dân tộc Co (Quảng Ngãi và Quảng Nam) có truyện cổ kể gốc tích người Co rằng sau một cơn đại hồng thủy, muôn thú đều chết, người đàn bà ôm con chó lên đỉnh núi Ngọc Linh. Người đàn bà lấy con chó, sinh hạ hai người con. Sau này, họ đi vòng xa nhau, đến khi gặp lại nhau, họ sinh 100 đứa con, năm mươi đứa lên núi, năm mươi đứa xuống đồng bằng sinh sống.
Ở miền núi Quảng Nam, có lẽ người Cơ Tu là dân tộc thiểu số có nhiều dòng họ nhất. Khảo sát của các nhà dân tộc học, văn hóa học và giấy tờ tư pháp cho thấy có đến 60 dòng họ với tên gọi khác nhau, mà mỗi dòng họ lại có chuyện kể về khởi nguyên riêng.
Như họ Zơrâm cho mình phát tích từ “con chó” bởi chuyện xa xưa có trận mưa lũ ngập hết núi rừng, chỉ còn một ngọn núi và trên ấy có một người đàn bà và một con chó sống sót, sau đó họ lấy nhau và sinh ra con cháu như bây giờ.
Dòng họ B’riu kể rằng ngày xưa vào một ngày hè oi bức, một đôi nam nữ rủ nhau vào rừng hái trái B’riu. Sau khi hái trái hai người xuống suối mát tắm, rồi chung đụng đã mang thai và sinh con đặt tên là B’riu.
Dòng họ P’loong lại kể: Có một chàng trai khi đi rẫy về, đến con suối ngoài làng rửa ráy, hái một trái ươi thả xuống dòng suối, trái ươi trôi xuống bám vào chân một cô gái, cô gái ném đi nhưng trái ươi cứ bám vào chân, cô gái ăn trái ươi.
Sau đó cô có thai và sinh ra một cậu bé, dân làng phạt vạ, đem ra xử theo luật tục và khi ấy đứa con chạy đến chàng trai đã thả trái ươi khi xưa và nói rằng đây là cha tôi. Từ đó có dòng họ P’loong…
Trải qua hàng thiên niên kỷ, đã có ánh sáng khoa học soi đường nhưng những ý vị từ huyền thoại vẫn bền bỉ sức sống trong văn hóa, là nhờ ở đâu? Có lẽ là nhờ vẻ đẹp hồn nhiên trong trắng từ cái nhìn về tuổi thơ loài người vậy.
Huyền thoại vẫn rì rầm kể bên bếp lửa đêm đông…