Chìa khóa và "cây gậy chỉ huy"
Tiềm năng, lợi thế của miền Trung và duyên hải Trung bộ không phải bây giờ mới được nhận diện. Cũng không mới mẻ khi trung ương đã từng hoạch định vùng này (bao gồm 14 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Nhưng làm thế nào để đánh thức tiềm lực của miền Trung và vùng duyên hải Trung bộ là câu hỏi đặt ra suốt nhiều năm qua. Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ ghi nhận tăng trưởng của các tỉnh thành trong vùng, với thu nhập dân cư đã được nâng lên, nhiều khu kinh tế, khu đô thị và du lịch ven biển đã được đầu tư góp phần giải quyết việc làm…
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế - xã hội tổng quan của cả vùng vẫn còn nhiều “màu xám” khi so sánh với hai đầu đất nước như thu nhập vẫn dưới mức trung bình, tỷ lệ nghèo còn cao, hạ tầng chưa đồng bộ, mật độ cao tốc thấp, kết nối liên vùng và cả giao thông đối ngoại còn hạn chế.
Đặc biệt, do chưa có quy hoạch tổng thể để làm cơ sở phát huy thế mạnh mỗi địa phương nên “mạnh ai nấy chạy”, “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh bất lợi khi lợi thế so sánh không có nhiều khác biệt.
Một điều cần nói nữa là đã có nhiều diễn đàn bàn về liên kết vùng để phát triển. Như tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 - năm 2017, tổ chức tại Đà Nẵng, quy tụ hơn 600 chuyên gia, cố vấn hàng đầu của Chính phủ, cùng lãnh đạo các tỉnh thành trong khu vực, đã thảo luận khá sâu về liên kết vùng.
Rồi đầu tháng 7/2022, cuộc tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới” thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP.Đà Nẵng, lần nữa cũng nêu lên những đòi hỏi cần kíp về việc liên kết vùng.
Song liên kết vùng vẫn lỏng lẻo, bởi nhiều lý do, trong đó việc thiếu cơ chế “nhạc trưởng” điều phối hiệu quả, giàn hợp xướng vẫn dàn hàng ngang trình diễn, “mặt tiền” của dải đất nhìn ra biển Đông vẫn trồi sụt với nhịp điệu tăng trưởng không bền vững.
Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị (khóa XIII) vừa ban hành và quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 26).
Nghị quyết 26 mở ra tầm nhìn mới cho không gian phát triển toàn vùng, bao chứa cả kỳ vọng của Trung ương và các tỉnh thành trong khu vực miền Trung, đặt ra yêu cầu bức thiết liên kết vùng một cách thực chất, hiệu quả hơn, từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, chuỗi đô thị, du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp, logistics…
Đó là tầm nhìn mở, với không gian rộng, bao quát từ biển lên rừng, từ đất liền ra hải đảo, từ mặt đất đến bầu trời. Đó cũng là tư duy động, tức không đóng kín bởi sự chia cắt do địa lý và quy hoạch phát triển của mỗi tỉnh khác nhau.
Với Nghị quyết 26, hy vọng chìa khóa và “cây gậy chỉ huy” cho liên kết vùng bền vững, thực chất từ 7 nhóm giải pháp bao quát cả thể chế, chính sách, về quy hoạch, đầu tư, hạ tầng, kết nối các khu kinh tế, thúc đẩy kinh tế biển, phát triển chuỗi đô thị, du lịch, logistics, cả xây dựng hệ thống chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh…
Tầm nhìn mới, mở và động này hàm chứa biết bao suy tư và trăn trở cho vùng đất con người nằm ở “thắt lưng” đất nước thường gánh chịu nhiều gian lao.