Phía trôi đi thích nghi thầm lặng…
Bạn học xưa vẫn sống bên sông Thu Bồn, thấy lụt về chia sẻ một đoản khúc mùa, đọc mà bâng khuâng chi lạ. Ừ thì vậy, “… báo đài hay than thở chuyện lũ lụt miền Trung, nghe sao thương lắm! Sự thật đâu phải thế, sự thật cất giấu trong lòng những đứa trẻ quê tôi. Nếu quê tôi bốn mùa nắng ráo thì tuổi thơ như vầng trăng khuyết chẳng bao giờ đầy”.
Là bạn kể chuyện mùa nước lụt với mênh mang ký ức về làng, về quê hương tuổi thơ đẫm đầy khổ ải nhưng vẫn hồn nhiên trong trẻo. Thêm đứa em ở ven sông Vĩnh Điện giờ phiêu bạt phương Nam cũng nhắn gửi lời thăm và kèm chút triết lý nếu không có lụt đâu còn văn minh lúa nước. Bởi, phù sa phủ lên bờ bãi là nỗi đợi chờ của nhà nông, ghi khắc từng mùa đi qua của đời người.
Ký ức mùa lụt đẹp trong ánh mắt trẻ thơ, nào lội biền bắt dế, xem người kéo tủ, thả lờ, nào chờ chiếc bánh xèo từ tay mẹ tay chị bốc khói, chén cơm nóng chan mắm cái kho, rồi bơi ghe đi bắt chuột, bắt rắn, đóng bè chuối bơi quanh vườn…
Với người phố Hội, cơn lũ nhỏ đi qua là dịp phô phong chiếc dù hoa, cùng những đôi chân trần thiếu nữ khỏa nước bên hiên nhà cổ. Thật nao lòng khi Hội An vừa rồi lên sóng truyền hình, báo chí trong và ngoài nước, tả cảnh nước lụt mênh mang.
Nhưng trong di sản tư liệu ký ức ở người già, có mùa lũ lụt đi qua cũng còn đọng lại vết khắc tang thương. Dễ nào quên cơn lũ lụt năm Thìn -1964, nhiều người kể năm đó mưa kéo dài gần suốt tháng.
Rồi từ mùng 4 tháng 10 (tức ngày 7/11/1964) mưa to suốt đêm ngày. Từ mùng 5, trời như sa xuống đất, giữa trưa đứng ngoài trời đưa bàn tay trước mắt cũng không nhìn thấy. Mưa không ngớt đến ngày mùng 6 thì nước lũ lên ngập nóc.
Báo chí Sài Gòn đưa tin trận lụt năm ấy Quảng Nam có 2.500 người thiệt mạng, 22.447 nhà cửa bị trôi. Tỉnh Quảng Tín (phía nam Quảng Nam ngày nay - TG) thiệt hại nhân mạng 1.270 người, 14.250 nhà cửa bị cuốn trôi, súc vật chết 83%,... Bây giờ đọc lại và ngẫm, có lẽ lụt thì hiền mà lũ luôn dữ, năm Thìn đó cũng có chuyện núi lở, lũ quét như mấy năm qua.
Vui hay buồn thì nắng mưa vẫn chuyện ông trời làm mà đời người phải nhận lấy. Sống trên mảnh đất mà nắng lo hạn, mưa lo lụt, nên người Quảng cũng đành chép miệng “kệ cha ông trời” và chịu đựng. Có lẽ điều đó tạo nên khí chất người Quảng “ngang như cua” dù mấy mùa mấy đận bầm dập.
Và trên dải đồng bằng hẹp, người Quảng vẫn dành dụm chắt chiu phòng bị lương thực ngày giáp hạt, chằng chống nhà cửa, lo cho con ăn học, mặc dù mưa gió làm tơi tả bao vụ mùa. Gặp rất nhiều người Quảng giàu kinh nghiệm chia sẻ rằng năm nào có lụt dọn sạch chuột bọ trên đồng bãi, lại cho phù sa thì mùa màng mới tốt.
Cho nên trong cơn lụt, sau khi đã dọn dẹp đồ đạc an toàn, rủ người đi thả lưới, kéo rớ tủ kiếm cá, lại hùn nhau gạo trứng đúc bánh xèo ăn chơi. Nói họ không lo sợ lũ lụt là không đúng nhưng phải biết cách “sống chung” với mùa lụt là chuyện thế phải thế. Mùa đã trôi đi với sự thích nghi thời tiết, khí hậu trên vùng đất lưng eo ngửa mặt ra biển từ đời này qua đời khác vậy.
Người xưa truyền lại câu “thủy, hỏa, đạo, tặc” đúc kết 4 đại họa trong cuộc sống. Trong đó thủy (水) ám chỉ lũ lụt, mưa bão dông tố; hỏa (火) là hỏa hoạn do người hoặc do ông trời (tự nhiên) gây ra cháy.
Vừa rồi Quảng Nam gặp cả bà thủy, bà hỏa gây nạn, khi nhiều nơi ngập sau bão mà ở Cửa Đại lại bốc cháy mấy ghe thuyền du lịch (ước tính thiệt hại đến vài chục tỷ đồng). Đang viết bài lại nghe cuối tuần này có áp thấp kéo đến gây mưa to và lũ lụt, phía biển lo ghe thuyền, phía núi lo sạt lở. Vậy nên nhắn bạn dù tâm thế phải thích nghi, chủ động ứng phó, nhưng không thể chủ quan, lơ là...