Nhấm nháp chuyện… ăn
Tuần này, bạn đọc được thưởng thức gia vị của món mỳ Quảng trên chuyên đề của Quảng Nam Cuối tuần. Người Quảng, hình như không bao giờ gặp trục trặc về nguyên liệu làm nhưn (thịt, cá, tôm... đều được) khi vào bếp nấu một bữa mỳ. Nhưng sẽ gặp trục trặc ngay, nếu hôm đó, gian bếp thiếu nén và dầu phụng. Tôi thường nói quá lên rằng, đó như là nguyên lý cơ bản bất di bất dịch của một tô mỳ Quảng.
Có những nguyên tắc, nếu chệch đi một chút, bạn sẽ gặp trục trặc ngay.
Như vừa rồi, tôi gặp trục trặc vấn đề sức khỏe với dạ dày: viêm loét do vi khuẩn HP gây ra.
Theo PGS-TS. Phan Thanh Dũng (Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh), vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một loại xoắn khuẩn, sống trong lớp nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn này gây ra những cơn đau dạ dày mạn tính hoặc viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày.
Hiện nay ước tính trên thế giới có khoảng 50% dân số nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, khu vực địa lý, thói quen sinh hoạt và chất lượng sống.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao, nhưng rất nhiều trường hợp người bị nhiễm không có biểu hiện triệu chứng hay biến chứng nào trên đường tiêu hóa. Tôi nằm trong số có triệu chứng bệnh, nhiễm bệnh nặng mà nguyên nhân chính đến từ việc ăn uống dễ dãi và thiếu khoa học.
Lại nghĩ hóa ra, mình đã không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong ăn uống để tự bảo vệ sức khỏe.
Tôi nhớ ai đó từng hỏi, rốt cuộc ăn để sống hay sống để ăn, cái nào mới đúng? Ăn để sống khi mình thấy đói, và sống để ăn khi xem việc ăn là một hình thức tận hưởng, không còn đơn thuần là nhu cầu sinh lý của bản thân. Việc ăn xuất phát trước hết từ nhu cầu cung cấp năng lượng cho cơ thể, sau đó loài người nâng nó lên thành một thứ nghệ thuật, một nét văn hóa.
Chúng ta có nhiều lý do để ăn hơn như vậy. Chúng ta ăn có khi theo thói quen, ăn khi tiệc tùng, ăn vì chợt bước ngang qua đường thấy biển quảng cáo một món ăn hấp dẫn. Đôi khi, ta ăn vì… buồn quá muốn quên đi những nhọc nhằn vớ vẩn mà vùi mình vào hương vị của đồ ăn.
Chúng ta ăn để tăng cân hoặc có khi giảm cân, ăn để lên cơ hoặc có khi để tăng cường khả năng sinh lý. Đôi khi thoảng qua, là hình ảnh trẻ nhỏ bị ba mẹ ép ăn, hay ngược lại, thấy người già cố nuốt vì con cháu thương mà ép mình ăn.
Mỗi ngày trôi qua, ta ăn vài lần, sáu mươi năm cuộc đời có lẻ ta sẽ ăn chừng vài chục ngàn lần như vậy. Vậy mà một thời gian dài, nhiều người thường phó mặc mọi chuyện ăn uống cho người khác.
Hồi nhỏ, mẹ nấu cho ăn. Lớn lên, lại đùn đẩy trách nhiệm cho các chị, các mẹ ngoài tiệm. Sáng như trưa, như tối. Chưa kể, chúng ta làm đủ thứ và mất sự tập trung, cảm giác thanh thản khi ăn. Chúng ta quên phải nhai, hoặc quên cả mùi vị của cọng rau thơm, của hạt đậu phụng, của mùi bột gạo thơm lừng.
Rất không may, hệ thần kinh tiêu hóa gần như sẽ ngừng hoạt động khi bạn đang stress, dẫn đến đau dạ dày, nhu động ruột kém đi, rồi đau đại tràng, táo bón, đủ kiểu. Tự dưng nhớ cảnh 12 giờ trưa, dân văn phòng tuôn ra từ các công sở, tản quanh các tiệm ăn, một buổi cơm trưa vội vàng, xáo động. Và tôi cũng từng như thế.
Bữa ăn là cuộc sống và ta sẽ sống trong từng bữa ăn. Bữa ăn vội vàng, hời hợt, phó mặc thì cuộc sống và sức khỏe cũng sẽ như vậy. Hốt nhiên nhớ buổi chiều nao trời mưa đi học về, mẹ nấu nồi nhưn mỳ thơm lựng, cả nhà quây quần ấm áp. Cuộc sống này đôi khi chỉ cần vậy đó thôi.
Bệnh về dạ dày, phải kiêng ớt. Mà bạn biết rồi đó, người Quảng ăn tô mỳ mà thiếu trái ớt xanh cắn cái rụp, là món ngon đã bớt mười phần thi vị rồi!