Rầu ruột bởi… chuột máy tính
Con chuột máy tính có lúc làm hại nhân sinh, là do có kẻ bày đặt chuyện giả dối. Như tuần rồi, Quảng Nam xôn xao vì hình ảnh con chuột trong hộp cơm học trò ở vùng cao Nam Giang được đưa lên mạng và chia sẻ chóng mặt bởi các cú nhấp chuột.
“Lộ ra mặt chuột” là ai đó đã lấy bức ảnh kỷ niệm chụp vào cuối năm 2019 trong một chương trình lễ hội ẩm thực truyền thống của điểm trường mầm non, rồi tán thêm thông tin bậy bạ và “xót xa” vì học trò vùng cao phải ăn cơm thịt chuột.
Sự việc gây ồn ào nên ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang phải lên tiếng khẳng định thông tin sai sự thật. Báo Quảng Nam và sau đó thêm nhiều tờ báo chính thống khác xác minh và nêu rõ đó là tin giả tạo hiệu ứng dư luận trái chiều trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngành giáo dục địa phương.
Trong khi vụ “bữa cơm thịt chuột” đang điều tra kẻ tung tin bậy bạ thì lại có thêm chuyện khác xảy ra. Đó là trang facebook với tài khoản “Tâm Hướng Phật” đăng bài viết có nội dung “lúc 15 giờ chiều 9.9.2022, một chiếc thuyền đi trên sông Vu Gia từ khu vực xã Đại Cường sang xã Đại Nghĩa thì lật. Vụ lật thuyền khiến 6 người chết, 4 người bị thương…”, rồi từ đó kêu gọi mọi người giúp đỡ gia đình các nạn nhân.
Trang này còn bạo gan đăng cả tài khoản kêu gọi, ghi: “Mọi sự ủng hộ và giúp đỡ xin vui lòng gửi về Quỹ Tình Thương. Số TK: 0461000499614, chủ TK: Lưu Thị Dao, Ngân hàng: Vietcombank…”. Chuyện xôn xao khiến lãnh đạo UBND xã Đại Cường (Đại Lộc) phải lên tiếng khẳng định không có vụ lật thuyền nào xảy ra ở thời điểm này. Đúng là chết người (!).
Nạn sản xuất và tung tin giả (Fake news) đã có từ lâu, nhất là khi mạng xã hội đem lại nhiều tiện ích thông tin càng nở rộ vô số chiêu trò lừa đảo. Nhà nước đã có nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh mạng, các trung tâm xử lý tin giả cũng đã hình thành. Tuy nhiên với lượng người dùng quá đông đảo, hoạt động mọi lúc mọi nơi thì vấn nạn tung tin giả khó kiểm soát triệt để và kịp thời.
Cũng phải nói ngay rằng, một khi thông tin giả lan rộng ra mà động thái của chính quyền chậm chạp thì tác hại càng khó lường. May là trong hai vụ việc vừa nêu ở Quảng Nam, chính quyền địa phương đã phản hồi nhanh, cùng lúc thông tin cho báo chí chính thống lên tiếng kịp thời mới dập tắt “đám cháy khủng hoảng truyền thông” ngay khi mồi lửa đầu phát ra.
Nhân đây nói thêm về một thủ đoạn lan truyền tin giả cần cảnh giác là “bẫy cho người dùng nhấp chuột chia sẻ”. Mồi nhử nhấp chuột chia sẻ có thể là hình ảnh, từ ngữ, văn bản dễ gây chú ý, gây sốc, bắt theo trào lưu những vụ việc nóng (bắt trend). Bẫy nhấp chuột không loại trừ mục đích đánh lừa nhằm gây thiệt hại cho cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân nào đó, thật giả lẫn lộn nhưng câu khách xem cho đông, qua đó thu lợi quảng cáo, thậm chí lừa đảo.
Đối với kẻ tung tin giả, về pháp lý thì sẽ có các cơ quan chức năng điều tra, xử phạt, thậm chí xử lý như loại tội phạm công nghệ cao. Nhưng để phòng ngừa và không lan truyền tin giả thì rất cần bạn đọc tự xây dựng bộ lọc tin tinh tế, nhất là đừng để cú nhấp chuột máy tính chia sẻ vô tình gây tác hại nhân sinh.
Chẳng hạn với hình ảnh “bữa cơm thịt chuột”, chỉ cần chút hiểu biết và thận trọng có thể suy đoán sự thật/giả. Bởi ở vùng cao thường có món chuột núi ngon như sóc, là thứ đồng bào hay dùng (gần đây ở núi Ngọc Linh có loại chuột ăn sâm, món ăn quá ngon).
Hay hãy thử lội nhiều chợ ở miền Tây Nam Bộ, thấy bán chuột và được coi là đặc sản (thường gọi chuột cơm). Vậy kể cả dùng các loại chuột ấy làm thức ăn (nếu có) thì đâu có gì phải “xót xa” thương cảm rồi kêu gọi mọi người góp tiền giúp đỡ (!?).