Truyền tích làng nghề
Làng nghề xứ Quảng khá phong phú, đa dạng, bao chứa giá trị di sản vật thể và phi vật thể của nhiều thế hệ tạo dựng từ xưa đến nay. Nhưng không phải làng nào cũng chép lại, ghi lại được một cách bài bản các truyền tích, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa và cả phục vụ cho du lịch hiện nay và tương lai. Vì thế, khi nhặt được câu chuyện nào bắt đầu từ “ngày xửa ngày xưa…” lòng ta lại bồi hồi khó tả.
Ví như câu chuyện này: “Ngày xửa ngày xưa có ông Tamăng Xơrí chống trời lên cao. Rừng núi thành ra có nhiều cây cối. Trên một núi cao nọ có một cây rất to, cành lá um tùm, nhiều hoa đẹp nhiều quả to. Người già kể rằng đó là cây Ông Mặt Trời. Năm nọ, không biết tại sao, cây lại khô héo.
Một hôm cây đổ xuống, tiếng rất to, lá hoa rơi tung tóe. Tất cả người của nhiều làng chạy đến chỗ đó để xem. Người Xơ Đăng đến trước hơn mọi người khác, lấy được hoa cây mang về nhà.
Người Ca Dong lấy được lá mang về nhà... Người Cor chỉ ở nhà uống rượu cần mãi, đến cuối cùng. Lúc đó cây không còn gì nữa. Người Cor đành lột vỏ cây mang về nhà. Lấy được hoa cây, người Xơ Đăng biết khâu, thêu váy áo rất đẹp. Lấy được lá cây, người Ca Dong biết dệt vải rất đẹp. Còn người Cor lấy được vỏ cây, nên chỉ biết đan chiếu...”.
Từ câu chuyện mang những nét hồn nhiên (nhưng đầy chất thơ!), có thể thấy cách giải thích truyền tích về làng nghề của đồng bào miền núi. Hẳn không chỉ người Ca Dong, Cor (còn gọi hoặc viết là Co, Col, Kol, Kor, Cùa, Trầu v.v.), Xơ Đăng (Xê Đăng) mà các tộc người khác như Cơ Tu, Ve… cũng có những truyền tích làng nghề của họ nếu ai chịu khó điền dã, sưu tầm, chép lại. Truyền tích viết lại thành câu chuyện sẽ giúp cho ta hiểu biết thêm về tâm hồn người ở núi và cả sinh hoạt, đời sống của đồng bào.
Những giá trị bản sắc trong nghề dệt, làm nên trang phục thổ cẩm ấn tượng; hay nghề đan lát làm ra vô số kiểu dáng gùi (ateo), rồi tà lét, vòng buộc trâu (gul prá), rá (đik rac)… sẽ càng được tôn vinh vẻ đẹp khi gắn với những câu chuyển kể, nhuốm màu truyền tích văn học dân gian. Điều đó cần cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và cho cả du lịch đang khát khao tìm kiếm, gọi mời bước chân lữ khách trải nghiệm.
Nhân đây cũng bàn góp một chuyện cho Lễ hội các dân tộc huyện Bắc Trà My sắp diễn ra (từ 22 đến 23.8.2022). Với chủ đề “Điểm hẹn vùng ngọc quế”, lễ hội này chắc chắn có trưng bày các sản phẩm từ quế, cổ xúy cho giá trị bản địa gắn với văn hóa làng nghề ở miền cao sơn. Vậy hãy chép tặng cho mỗi du khách đến chơi hội và tham quan câu chuyện cổ tích rất thú vị của người Co, giải thích nguồn gốc sự ra đời các làng nghề khắp miền, trong đó có nghề trồng quế nổi tiếng, đó là nhờ phát tán từ một loại cây khổng lồ, giống như cây Ông Mặt Trời.
Rằng xưa… “nhờ chim thần bay đến giúp đỡ, người ta mới chặt được cây. Cuối cùng cây khổng lồ đổ xuống, làm rung động khắp vùng. Lá quả và những mảnh vụn của cây vung vãi khắp nơi. Trời đất lại quang đãng, người đi lại bình thường. Người Cơ Tu, Ba Na, Xơ Rá nhặt những mảnh cây, đem về rèn thành những rìu và dao sắc. Người Xơ Đăng lấy nhựa cây về nhuộm vải, thành những váy áo màu sắc đẹp lạ thường.
Hoa và lá cây rơi xuống vùng đất của người Kinh, nên từ đó người Kinh biết trồng bông dệt vải, lại biết thêu lên vải thành những hình lá hình hoa lạ mắt. Quả cây rơi vào vùng Trà My, nên ngày nay nơi này chỉ toàn là đồi núi, có những núi rất cao như Rơ Cô, Cà Đam, núi Răng Cưa, núi Trà Quân. Cành cây rơi vào những vùng đất của người Ca Dong và người Cor, nên ở những vùng này mọc lên loài cây quế có vị thơm cay ngọt lạ thường… Từ đó, người Ca Dong và người Cor rất giỏi nghề trồng quế”.