"Mặc giáp" vì sợ… cạp đất?

ĐĂNG QUANG 24/07/2022 05:40

Theo dõi kỳ họp HĐND tỉnh vừa rồi, báo chí có dẫn ý kiến của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An, khi thảo luận về “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng (GPMB), rằng “hiện nay nhiều địa phương còn run sợ, anh nào cũng lo thủ, mặc giáp hết, trên sợ dưới cũng sợ, bây giờ co lại hết. Nếu cơ chế không rõ ràng, không minh bạch thì anh em không ai dám làm, còn làm thì nguy cơ lãnh đủ…”.

Có thể đồng tình hoặc không, nhưng ý kiến nêu trên gợi ra nhiều suy nghĩ. Quả thật thời gian qua, trong lĩnh vực quản lý đất đai, GPMB, đã “cạp” mất nhiều cán bộ sai phạm ở khắp các tỉnh thành.

Riêng tại Quảng Nam, qua 6 tháng đầu năm 2022, đã ban hành 63 kết luận thanh tra (19 kết luận từ năm 2021 chuyển sang), phát hiện sai phạm hơn 16,2 tỷ đồng và 112.190m2 đất tại 318 đơn vị, cá nhân.

Dĩ nhiên, nhiều cán bộ thân bại danh liệt vì sai phạm trong quản lý đất đai do đủ thứ chuyện, không ngoại trừ tham nhũng muốn “cạp đất mà ăn”.  Nhưng còn có lý do mà ai cũng lo “mặc giáp” vì không đủ sức đảm trách nhiệm vụ liên quan quản lý đất đai.

Chẳng hạn, riêng Hội An 6 tháng đầu năm 2022 nhận hơn 2.000 đơn kiến nghị, chủ yếu là đất đai, trong khi đó chỉ có 7 cán bộ nên không đủ thời gian giải quyết rốt ráo, kịp tiến độ cho người dân được. Mặt khác, luật pháp chính sách về đất đai còn có những điểm bất hợp lý, bất cập.

Chẳng hạn quy định về khung giá đất bồi thường rất thấp so với thị trường, nên mỗi khi có dự án cần GPMB, không tránh khỏi chuyện người dân so đo, khiếu nại việc định giá, áp giá.

Trường hợp do hối thúc GPMB cho kịp bàn giao thì phải “vận dụng linh hoạt” dễ sai, sợ cơ quan thanh tra sờ gáy; còn muốn né tránh rắc rối phải rà đủ thứ quy định, đâm ra làm chậm, trễ tiến độ cũng bị quy trách nhiệm, nên tìm đủ cách dây dưa, đùn đẩy.

Theo nhìn nhận của chuyên gia Đặng Hùng Võ, tình trạng khiếu kiện của dân về giá đất ngày một nhiều và cán bộ quản lý tham nhũng về đất đai ngày một lớn cũng xuất phát từ “hệ thống hai giá” (bảng giá đất áp theo khung quy định của Chính phủ và nhân với hệ số do các tỉnh quy định - NV), vẫn để khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa giá do Nhà nước quy định và giá đất thị trường.

Đứng trước thực tế như vậy nên mới đây, ngày 16.6.2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 18 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết này đã được  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt với báo cáo chuyên đề tại hội nghị toàn quốc vào ngày 21.7.

Nghị quyết 18 đã đề cập nhiều chủ trương đổi mới, trong đó có điểm quan trọng là bỏ khung giá đất và tiếp tục hoàn thiện phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, nhất là sau quyết định bỏ khung giá đất, thì cần nhiều biện pháp, giải pháp thay thế.

Chẳng hạn quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất, cơ quan quản lý thi hành và các cơ quan liên quan. Phải bảo đảm cho được tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, giảm mạnh tác động chủ quan của cơ quan quản lý nhằm thể hiện tính khách quan của thị trường.

Đồng thời nâng cao năng lực của tổ chức tư vấn, định giá viên xác định giá đất. Điều cốt lõi để cán bộ quản lý đất đai bớt cảm giác lo sợ “mặc áo giáp” thì cần hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch về giá đất.

Quản lý đất đai luôn là câu chuyện nóng bỏng, nhất là bối cảnh đô thị hóa và thu hút đầu tư bất động sản ngày càng tăng. Muốn GPMB nhanh cho các dự án động lực thì phải “cởi giáp” bằng cơ sở pháp lý minh bạch.

ĐĂNG QUANG