Giấc mơ… lên đời cho phố
Đầu năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết này đề ra mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
Với giấc mơ lên phố, lên phường, cả nước ta đã có khoảng 900 đô thị các loại, nhưng tốc độ phát triển vẫn chậm, chất lượng chưa cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững.
Do vậy, Nghị quyết 06 đặt ra một số mục tiêu phấn đấu cụ thể như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 06, Tỉnh ủy Quảng Nam đã đề ra chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, sẽ hình thành rõ nét các đô thị động lực, mối liên kết giữa các đô thị trong các cụm đô thị động lực, liên kết giữa các đô thị vùng Đông và vùng Tây của tỉnh.
Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù và nguồn lực còn hạn chế, nên tỉnh nêu ra một số mục tiêu cụ thể có phần thấp hơn so với tỷ lệ cả nước, chẳng hạn phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Nam đạt 37% (thấp hơn khoảng 8%), có 21 đô thị. Đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% (thấp hơn 10%), có 28 đô thị; hình thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Có lẽ cũng không nên băn khoăn quá về tỷ lệ đô thị hóa thấp hay cao, số lượng đô thị nhiều hay ít mà vấn đề cần quan tâm hơn là chất lượng đô thị. Bởi thực tế là không ít đô thị ở ta từng phát triển quá nóng dẫn đến tình trạng như tổ hợp lộn xộn, vẫn còn không ít “ổ chuột” giữa lòng phố xen lẫn với các kiểu dáng kiến trúc bắt chước Tây, Tàu bát nháo.
Vấn nạn rác thải, chất thải ùn ứ gây ô nhiễm kèm với chuyện nắng bụi, mưa ngập. Hạ tầng không đồng bộ, giao thông làm đường rồi điện nước đào lên lấp xuống. Không gian công cộng rất ít và còn bị chiếm dụng với nền “kinh tế vỉa hè”.
Thiết chế văn hóa đô thị còn nham nhở… Vậy nên, giấc mơ lên đời cho phố là nói lên hạng đẳng cấp thực sự về chất lượng sống chứ không phải chạy đua theo cấp độ loại nào để lấy thành tích báo cáo.
Đã có nhiều gợi ý về những mô hình đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh… Rồi lại phân theo chức năng đô thị hành chính, đô thị kinh tế, hay theo lĩnh vực như đô thị công nghiệp, đô thị du lịch. Nhưng có lẽ đô thị gì thì cũng cần bản sắc văn hóa của thị dân và vai trò quản lý của chính quyền đô thị.
Hãy cứ hình dung rằng, nếu chỉ quy hoạch một khu vực rồi tập trung số đông dân nhập cư cơ học là xong thì đó sẽ là một nồi lẩu trộn trạo nhiều thứ không tương thích.
Văn hóa đô thị không chỉ do ý chí mà có được, đó phải là sự cộng cư rồi hội tụ và tiếp biến về nếp sinh hoạt, ăn ở, kinh doanh, tiêu dùng, có khi mất mấy chục năm hay thậm chí hàng mấy trăm năm như Hội An. Quản lý đô thị cũng vậy, sẽ không thể mang phong cách tiểu nông ở làng mà áp cho phố được.
Đô thị hóa là xu thế tất yếu, nhưng hiện thực hóa giấc mơ lên đời cho phố là không dễ. Làm sao để phố ra phố, có quy chuẩn đáp ứng văn minh, hiện đại, phù hợp chức năng và đem lại nhiều tiện ích cho thị dân, đời sống nhân dân được nâng cao mới là mục tiêu cần đạt nhất.