Hợp tác xã với chuyển đổi số

ĐĂNG QUANG 22/05/2022 07:10

Tuần qua có sự kiện đáng chú ý liên quan hành trình chuyển đổi số. Đó là Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX)  khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam, với chủ đề  “Kinh tế tập thể, HTX với chuyển đổi số, để phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19”.

Nếu tổ chức diễn đàn bàn về chuyển đổi số nói chung sẽ khá rộng và không có thời giờ. Ở đây, sự khu biệt rất rõ là nhận thức về thực trạng và giải pháp chuyển đổi số riêng trong lĩnh vực kinh tế tập thể là HTX mà thôi. Tuy nhiên theo dõi các bài tường thuật của báo chí, chỉ thấy đôi nét phác họa về chuyển đổi số ở các HTX.

Đơn cử dẫn dụ về HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), chuyển đổi số đơn giản là tìm tòi, áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Qua đó mô tả rằng, HTX đầu tư dây chuyền máy chế biến gạo, bánh tráng và từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị “Gạo an toàn Ái Nghĩa” (sản phẩm OCOP hạng 3 sao), “Bánh tráng Đại Lộc (sản phẩm OCOP hạng 4 sao) và được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh nằm trong tốp sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc.

Ngoài ra HTX còn liên kết với nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất lúa giống theo chuỗi liên kết với hơn 200ha. Có thể tóm tắt là HTX này đã có ứng dụng công nghệ, bước đầu tiếp cận nông nghiệp thông minh ở một số công đoạn sản xuất. Nhưng như thế thì chuyển đổi số vẫn chưa rõ nét và toàn diện. Đó cũng là thực trạng của mô hình mà nhiều HTX đang áp dụng.

Cả miền Trung - Tây Nguyên có 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, trong đó chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Nhiều HTX nông nghiệp chỉ tập trung ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc, còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.

Vì hạn chế đó nên Liên minh HTX Quảng Nam, mới định hướng thời gian tới sẽ tăng cường tư vấn và tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên HTX; lựa chọn HTX hoạt động hiệu quả, nắm bắt nhanh về công nghệ thông tin và cán bộ có năng lực, tâm huyết nhằm xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ số gắn với sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

Chúng ta biết rằng qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể,  HTX  đã có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài (cuối năm 2021, cả nước có 26.823 HTX, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp HTX, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% HTX hoạt động có hiệu quả).

Đánh giá mới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Song để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX, giải pháp đặt ra là công cuộc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số cần sự chuyển động mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định 749/QĐ-TTg đưa chuyển đổi số trở thành chương trình hành động quốc gia.

Đã là chương trình quốc gia thì sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống, mà kinh tế tập thể, HTX không thể đứng ngoài. Thiển nghĩ, để thực hiện chuyển đổi số, kinh tế tập thể, HTX cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

ĐĂNG QUANG