Trải nghiệm niềm đau và hạnh phúc
Đoàn Văn nghệ sĩ Khu 5 thời kháng chiến vừa có đợt về nguồn, thăm những di tích lịch sử, các căn cứ một thời đóng quân, thắp hương đồng đội, viếng các cơ sở từng chở che cho những người hoạt động cách mạng… Quảng Nam, mảnh đất kiên trung lại bập bùng lên ngọn lửa ký ức trong những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nơi họ đã trải qua bao suy nghiệm niềm đau và hạnh phúc.
Niềm đau, là một sự thật của vùng đất, con người, nơi đạn bom trút xuống chiến trường ác liệt. Dân thường thương vong và bộ đội, du kích hy sinh nhiều vô kể. Trong số ấy, văn nghệ sĩ Khu 5 đã có hàng trăm liệt sĩ ngã xuống khi tuổi thanh xuân đang phơi phới những giấc mơ cống hiến vô tư cho Tổ quốc:
“Có những thằng con trai mười tám tuổi
chưa từng biết nụ hôn người con gái
chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời
câu nói đượm nhiều hơi sách vở
khi nằm xuống
trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời”
(Thử nói về hạnh phúc - Thanh Thảo)
Nhà thơ Thanh Thảo từ Quảng Ngãi ra mang theo một niềm đau đáu với câu chuyện về liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, ông bày tỏ ước mong tha thiết với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là làm sao giúp bổ túc hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng cho chị Quý, khi mà chị đã “nằm lại với đất lành Duy Xuyên - trên mồ em có mùa xuân ở mãi”.
Niềm đau vì quá vãng chiến tranh khốc liệt cũng đã gợi lên từ bộ phim tư liệu kể về các nguồn sông, bến nước Thu Bồn in dấu chân của Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Trần Văn Anh, Nguyễn Hồng, Phương Thảo…
Đó là nơi mà các nhà văn Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Cao Duy Thảo,… lặn lội đi về bao bận, dằn vặt trăn trở với “những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được/mảnh đất hôm nay bè bạn chúng tôi nằm/nơi máu đổ phải sống bằng thực chất/không ai nỡ lo vun vén riêng mình/ khi mộ bạn chính bàn tay anh đắp” như câu thơ Thanh Thảo từng viết.
Điều lạ là trải qua chiến tranh đau thương nhường ấy mà cho đến bây giờ khi hội ngộ những người còn sống vẫn nói về năm tháng quá khứ họ đã hạnh phúc vì được cống hiến cho quê hương, đất nước. “Bài thơ về hạnh phúc” của Dương Hương Ly lại nhắc gợi một thời:
“Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hòa, Xuyên Phú…
Những mảnh đất anh hùng quyến rũ
Phút giây đầu đã ràng buộc đời em
Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen
Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám
Cô du kích dịu dàng dũng cảm
Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư…”
Văn nghệ sĩ có một thời như thế, trải nghiệm niềm đau và hạnh phúc để cầm bút đồng thời cầm súng chiến đấu cho Tổ quốc. Nhiều năm sau chiến tranh, có quãng đòi hỏi sự đổi mới trỗi lên thức nhận phản tỉnh về vai trò của văn nghệ với đời sống, cho rằng có những tác phẩm là “văn chương phải đạo”, “văn chương minh họa”.
Dĩ nhiên thực tế trong chiến tranh có không ít tác phẩm phục vụ công tác tuyên truyền, thiếu hoặc yếu chất lượng nghệ thuật, nhưng nếu phủ nhận sạch trơn dấu ấn văn nghệ một thời là cách thức cực đoan cả về lý tính và tình cảm.
Minh chứng là, như các cuộc hội ngộ văn nghệ sĩ thời kháng chiến mà tác giả bài viết này từng được chứng dự, nhiều người đi qua chiến tranh vẫn không thôi thao thức, suy tư về số phận con người, dân tộc, đất nước.
Như thế, thực ra hạnh phúc của văn nghệ sĩ là khi “ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc”, họ đã hòa vào những “nhịp tim khác thường” thời chiến sống trong lòng bể cả nhân dân mà viết những trang văn, bài thơ bằng máu của mình.
Mà “máu đỏ thật không ồn ào/ máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo”. Hôm qua sống anh hùng như Chu Cẩm Phong trong không khí thời chiến, hòa bình sống bình thường với trái tim trong sáng, tất cả đều cần chân thật mới có tác phẩm thật sự lay động tim người dù thời gian trôi đi.