Xuôi ngược nhìn du lịch

ĐĂNG QUANG 08/05/2022 06:16

Đợt nghỉ lễ dài ngày vừa qua có thể xem là cơ hội lớn để kích hoạt mạnh hơn cho du lịch phục hồi. Thực tế lượng khách ở nhiều điểm đến của các địa phương trong nước đều tăng. 

Ở Quảng Nam, thống kê từ Sở VH-TT&DL ước đạt 200 nghìn lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh trong dịp lễ 30.4 và 1.5. 

Có khách thì cơ sở dịch vụ vận hành trở lại, đời sống có phần hứng khởi cảm xúc tươi hơn. Như với Quảng Nam, công suất sử dụng phòng dịp nghỉ lễ vừa qua đạt khoảng 70 - 75%, trong đó nhóm khách sạn 3 - 5 sao đạt 90 - 95%; riêng hai ngày 30.4 và 1.5, công suất sử dụng phòng của nhóm khách sạn 3 - 5 sao đạt 100%.

Quảng Nam và nhiều tỉnh thành khác cũng đã mở thêm cơ sở dịch vụ, điểm đến, giới thiệu sản phẩm mới, làm sôi động không khí du lịch nội địa.

Nhìn chiều xuôi, du lịch bước đầu có những tín hiệu sáng như vậy là mừng. Song, thử nhìn chiều ngược, với những phản biện, phê phán hiện tượng “chụp giật”, thiếu bền vững trong cách làm du lịch lại thấy nỗi lo.

Chẳng hạn trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, đã có nhiều ý kiến đề xuất tranh thủ “biến nguy thành cơ” để sắp xếp lại dịch vụ du lịch, chuyển hướng vào du lịch xanh, nhằm nâng chất lượng điểm đến đáp ứng nhu cầu mới của du khách trong bối cảnh “bình thường mới”.

Tuy nhiên, xem ra những vấn nạn của cách làm du lịch cũ vẫn kéo dài, tái phát. Trong khi chỉ chú ý kéo khách về đông mà việc quản lý thiếu đồng bộ nên vẫn để nảy sinh tình hình lộn xộn tranh giành khách, chém chặt, gây ô nhiễm tiếng ồn, giá cả loạn cào cào…

Đơn cử như ở Hội An, có thời điểm tại một số homestay, villa sử dụng dàn karaoke lưu động, loa kẹo kéo ca hát, phát tiếng ồn quá mức. Trước thực trạng đó, có kiến nghị thành phố ra thông báo chấn chỉnh.

Trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 1.5, dẫn một ý kiến cho rằng “nhiều khách quốc tế đã hủy kế hoạch và rút ngắn thời gian lưu trú tại Hội An để tìm nơi khác hoặc một nước khác.

Chủ cơ sở phải ra sức chiều khách để cạnh tranh nhưng làm mất đi hàng loạt phân khúc khách rất quan trọng trong du lịch xanh - du lịch bền vững là thích yên tĩnh, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa địa phương, trải nghiệm và đầu tư tại Hội An”.

Cùng với vấn nạn tiếng ồn là sự “chặt chém” mà cư dân mạng nêu lên ở một số quán xá, cơ sở phục vụ du lịch. Như sự chèo kéo, bắt chẹt giá vận chuyển, bán hàng rong bu bám khách riết róng hay một khách sạn nhỏ xíu cũng tăng giá phòng dịp lễ lên 500 nghìn đồng/khách/đêm...

Trái ngược với sự “chặt chém” là cuộc đua hạ giá, nhất là ở mảng lữ hành phá giá tour, hoặc khách sạn 5 sao giảm giá phòng bằng khách sạn 2-3 sao. Việc phá giá dẫn đến phải cắt giảm chi phí phục vụ, nên phẩm cấp du lịch sẽ nâng lên như thế nào?

Trong khi đó hạ tầng vận chuyển tái phát tình trạng trễ giờ, như có hãng hàng không delay cả buổi, gây phiền toái và thiệt hại không ít cho khách; quản lý vận chuyển từ sân bay về các thành phố, điểm đến cũng bất cập với nhiều loại giá, nhiều hãng taxi cạnh tranh trong ngoài lộn xộn.  

Đáng buồn nữa là nhiều loại hình du lịch mới ra đời nhưng sự hòa điệu của văn hóa và du lịch xem chừng vẫn chông chênh. Vậy nên có cơ sở du lịch mới khai trương mà tiếng chì tiếng bấc đã dậy vì thấy bê tông hóa nhiều quá, kiến trúc cảnh quan dở phố dở quê không thân thiện với môi trường và bản sắc vùng miền, pha trộn hổ lốn văn hóa ngoại lai đủ kiểu…

Nhìn xuôi ngược du lịch, xem ra bài toán phát triển xanh – bền vững vẫn là hành trình dài, quan trọng trước hết ở chiều kích tư duy chứ không phải là đầu tư nhiều hay ít, không chỉ nhắm mắt thu hút khách bằng mọi giá!

ĐĂNG QUANG