"Chung một dòng sông"

ĐĂNG QUANG 29/04/2022 07:52

Xin mượn tên một bộ phim để nhắc nhớ bao điều về lịch sử. Đó là dòng chảy lịch sử đã theo dòng sông và đời người mải miết qua bao ghềnh thác, bão dông, những khúc ngặt thắt lòng máu và nước mắt, gào thét trong lửa đạn rồi êm ả ra đại dương.

Thì đây, sông Hiền Lương - Bến Hải, lịch sử đã chọn làm giới tuyến cho một cuộc phân ly dài 21 năm mới đi được đến ngày THỐNG NHẤT. Giờ xem lại bộ phim “Chung một dòng sông” (từng công chiếu chính thức vào 20.7.1959), người ta sẽ hình dung nghệ thuật có tiếng nói mà chưa chắc cách thức tuyên truyền chính trị khác đã hiệu quả bằng, rằng ý chí thống nhất giang sơn có thể bắt đầu từ sự thôi thúc do ngang trái của một cuộc tình, là giọt nước mắt trai gái xót xa rơi trên sông Bến Hải. Không chỉ riêng điện ảnh, âm nhạc cũng vào cuộc khơi lên cảm xúc và khát vọng nối lại đôi bờ sông chia cắt, nổi bật như bản tình ca “Câu hò bên bờ Hiền Lương:

Dù cho bến cách sông ngăn
Dễ gì chặn được duyên anh với nàng
Xé mây cho sáng trăng vàng
Khai sông nối bến cho nàng về anh.

Nhắc đôi điều vậy để thấy thật ý nghĩa khi kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1.5.1972 - 1.5.2022), 47 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022), Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Chung một dòng sông”.

Phát biểu của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, có thể gợi lên cảm thức đồng điệu ở nhiều người, rằng “sông Bến Hải - Cầu Hiền Lương nhắc nhở về một dòng sông của tình nghĩa đồng bào, giữa những người con cùng mang dòng máu Lạc Hồng, cho dù trước kia từng ở hai bên bờ chiến tuyến. Giữa họ luôn có một dòng sông miên man, bền bỉ chảy, đó là tình yêu quê hương, xứ sở. Dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn tắm chung một dòng sông ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt”.

Rõ ràng cần có “đôi mắt đượm tình quê”, đượm hồn xứ sở, nhân văn để dẫn nhập cho mọi người “chung một dòng sông”, còn nếu phân ly vì chiến tranh, chia giới tuyến đẫm máu hận thù thì dòng sông đời người và lịch sử dân tộc sẽ mãi là đôi bờ ngăn cách.

Câu chuyện này đâu chỉ là bài học quá khứ mà vẫn còn sống động trong hiện tại. Bởi ở góc độ hòa giải, hòa hợp dân tộc, trên mạng xã hội mỗi kỳ dịp 30.4 lại có những “phe cánh” khích bác lẫn nhau khi nhận thức điều ấy.

Năm nay, trong bối cảnh thời sự đang diễn ra cuộc chiến Nga – Ucraina, người ta càng thấy khát vọng hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc và nhân loại không là câu chuyện riêng của đất nước nào. Nước mắt và máu xương của những người dân ở đôi bờ chiến tuyến khổ đau là thế nhưng lại có những kẻ muốn tiếp tục gây chia rẽ, kích động hận thù, ly khai, đi ngược ước muốn hòa bình của dân tộc và nhân loại tiến bộ.

Lịch sử Việt Nam có khúc ngặt đau thương với đôi bờ Hiền Lương chia cắt 21 năm. Nhiều hơn thế nữa, thời chiến tranh phong kiến mất gần 200 năm Trịnh – Nguyễn phân tranh, mà sông Gianh là giới tuyến từ năm 1600 đến 1788. Vậy nên, hơn ai hết, người Việt thấm nỗi đau của sự phân ly, để đi đến triết lý tồn sinh của dân tộc là chỉ có hòa hợp, đoàn kết mới xây dựng được đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để cảm quan hơn về ý nghĩa “chung một dòng sông” trong kỷ niệm ngày THỐNG NHẤT - 30 tháng Tư, có lẽ cũng cần nghe lại trường ca “Hội Trùng dương” được Phạm Đình Chương viết ngay từ 1954 khi đất nước bị chia cắt, gửi gắm tâm tư của những dòng sông trôi về biển Mẹ.

Xin lắng nghe “có ba dòng sông cuốn xuôi Biển Đông nhắc câu chờ mong. Về khơi sóng muôn triền tới, nước non buồn vui đây hội trùng dương đầy vơi. Sóng muôn triền tới, sóng xô về khơi, như muôn tình mới, vươn sức người dựng giữa đời...”.

ĐĂNG QUANG