Khó thay học sử mà vui!

PHAN HOÀNG 24/04/2022 06:26

Trong tuần qua, thông tin liên quan đến môn Lịch sử thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân. Kéo theo là những tranh cãi xung quanh việc môn Lịch sử trở thành một trong những môn tự chọn ở cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách các môn tự chọn theo nhóm. Môn Lịch sử cũng nằm trong nhóm tự chọn này với cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).  

Chuyện học sử bắt buộc hay học sử tự chọn, bên nào cũng đưa ra lập luận bảo vệ cho quan điểm của mình, thậm chí còn cực đoan nhân danh và chụp mũ chính trị. Đi giữa hai luồng ý kiến nên - không nên, là sự vui mừng của không ít học sinh, vì từ nay được thoát gánh nặng con số, sự kiện. 

Đáng tiếc là khá ít người theo hướng khác: làm sao để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn và học sinh không còn ngán ngẩm với môn học này? Tại sao không làm một khảo sát khoa học nghiên cứu tâm lý học sinh với môn sử (và các môn khác) để có thể đưa ra cách học khơi gợi niềm yêu thích ở học sinh cũng như ham muốn khám phá tri thức.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT thì, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 6 đến đến lớp 12. Bộ GD-ĐT cho rằng, với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.

Chúng ta thử nhìn câu chuyện ở hai ví dụ sau đây.

Khi con “tụng” cho thuộc bài môn Lịch sử & Địa Lý (lớp 4) theo các câu hỏi ôn tập thi kiểm tra học kỳ 2, một phụ huynh nghe mới phát hiện ra chi tiết sai trong sách giáo khoa.

“Ngày 5.12.1999, phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới”. Chính xác phải là ngày 4.12.1999. Điều đáng tiếc là, ở Tam Kỳ và cả Hội An, hình như không có giáo viên nào dạy chương trình theo sách này phát hiện ra.

Theo tôi, trước mắt, phải đính chính trong học sinh như thế nào, phải đưa câu hỏi này ra khỏi đề kiểm tra, các phòng giáo dục ở Quảng Nam cần làm ngay. Sau đó, Sở GD-ĐT phải có yêu cầu Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam chỉnh sửa, trước khi lại tiếp tục xuất bản hàng triệu đầu sách cho năm học 2022-2023.

Hôm qua, tôi đọc status than phiền của một người viết sách cần mẫn ở Quảng Nam, rằng ông gặp một bạn trẻ đọc cả ngàn cuốn sách và nhớ vanh vách các cuốn đã đọc. Nhưng khi ông hỏi những thông tin xung quanh tên đất, tên làng – nơi bạn trẻ này sinh ra và lớn lên thì bạn đều không trả lời được. Sự thất vọng của ông, nhân sự việc mà nghĩ cần xem lại chương trình giáo dục.

Ông viết: “Hồi thời trước 1975 môn lịch sử, môn tập đọc cho tôi biết từ hồi cấp 1: Quảng Nam có vàng Bồng Miêu, kẽm Đức Bố, đảo Hoàng Sa và những chuyện ở tỉnh mình bằng những bài học nho nhỏ mà nhớ rất lâu”. Tự dưng tôi cảm mến ông, vì sự đồng cảm, biết mà không lên tiếng là có tội với bọn trẻ.

Trở lại với lo ngại cũng như tranh cãi của dư luận xung quanh môn Lịch sử thành môn tự chọn, tôi cho rằng quan trọng không phải là bắt buộc hay tự chọn, mà phải nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh như cố GS Trần Quốc Vượng từng nói “Vấn đề là Việt Nam không có khoa học lịch sử”. Quan trọng là cách dạy, cách học, cách thi.

Bởi cứ nếu tư duy nội dung/chương trình giảng dạy áp đặt, “hễ sách là chân lý”, cấm cãi và sự nhồi nhét kiến thức của nhà trường còn học sinh là tụng vẹt để đi thi thì chuyện thui chột tư duy và không hào hứng với tri thức là điều không tránh khỏi.

PHAN HOÀNG