Chiếc roi răn đe tham nhũng

ĐĂNG QUANG 10/04/2022 06:08

Nhân dịp lễ tưởng niệm 140 năm ngày mất của Chí sĩ Hoàng Diệu, Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Hùng có kể lại một chi tiết “Chiếc roi của mẹ cụ Hoàng Diệu” trong bộ phim “Người giữ thành Hà Nội”.

Chuyện rằng khi làm Tổng đốc Hà Nội, Hoàng Diệu mua mấy thước lụa Hà Đông gửi về tặng mẹ ở quê hương Xuân Đài, Gò Nổi, Điện Bàn. Khi mở gói quà, người mẹ trầm tư rồi ra vườn bẻ một cành dâu làm chiếc roi, bỏ vào xấp lụa, gửi trả Hoàng Diệu.

Nhận được chiếc roi, Hoàng Diệu hiểu ngay ý mẹ dặn, là con làm quan, phải tập trung lo cho dân, cho nước, đừng nghĩ đến chuyện vun vén cá nhân, kể cả lo quà cáp cho mẹ. Nếu con không nghe lời thì sẽ bị phạt đó! Hoàng Diệu từ đấy càng tập trung lo việc nước, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực.

Ngụ ý chuyện xưa rất sâu về giữ gìn “quốc pháp gia phong”, trong việc ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí, có ý nghĩa muôn đời.

Ngẫu nhiên trùng hợp với bài học lịch sử đó, tuần qua tại Quảng Nam diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7, có nội dung quan trọng khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 10 về phòng chống tham nhũng (PCTN). Theo đó, có nhiều vấn đề cần phải xem xét về thành công cũng như hạn chế trong PCTN.

Báo cáo tại hội nghị 7 cho biết,  trong 5 năm qua, tại Quảng Nam đã có 37 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; trong đó có 22 vụ việc, vụ án tham nhũng với tổng số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt gần 113 tỷ đồng. Có 16 trường hợp là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra tham nhũng.

Rộng ra cả nước, công cuộc PCTN cũng có chuyện đáng quan tâm. Ngay đầu năm 2022, tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã nhìn nhận kết quả, trong năm 2021 đã có 3.725 vụ/7.066 bị can bị khởi tố, điều tra (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là 390 vụ/1.011 bị can.

Điểm nổi bật là đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 10 cán bộ diện Trung ương quản lý). Tính cả nhiệm kỳ XII, có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Qua kết quả đánh giá cho thấy công cuộc PCTN dù đạt những thành quả không nhỏ, nhưng còn không ít hạn chế. Khác nhau về mức độ nhưng Quảng Nam và cả nước đều vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra ở một số ngành, địa phương, tập trung ở một số lĩnh vực như: quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tài chính, ngân hàng; đầu tư, xây dựng cơ bản; bảo hiểm y tế; sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm, mua bán, chuyển nhượng tài sản công...

Tính chất, mức độ tham nhũng, lãng phí có biểu hiện phức tạp, thủ đoạn tinh vi và liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều cấp; thời gian xảy ra dài nên việc đấu tranh, phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhận định rằng kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong thời gian qua vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở.

Để PCTN, ngoài việc sử dụng chiếc roi của nhân tâm, của nền nếp gia phong như người xưa thì luôn cần có chiếc roi luật pháp chế tài. Một khi những kẻ rắp tâm tham nhũng chưa chùn bước, thì chiếc roi càng phải đủ hiệu lực, tăng sức mạnh áp chế.

Phải tạo ra được chiếc roi luật pháp, thể chế đủ sức mạnh răn đe và xử lý, cốt làm sao cho “không thể, không dám và không muốn tham nhũng” thì công cuộc PCTN mới có thể đi vào chiều sâu, hiệu quả như lòng dân mong đợi.

ĐĂNG QUANG