"Hello Vietnam" và... "Xin chào Quảng Nam"

BẢO TRÂN 27/03/2022 06:07

Có hai bản nhạc “Xin chào Việt Nam” (Hello Vietnam) đã được sáng tác và phổ biến khá rộng rãi từ ngoại quốc trước khi lan truyền vào nước ta.

Bản nhạc thứ nhất của Tom T. Hall, được thu âm bởi ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Johnnie Wright. Bản nhạc ra đời năm 1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam và làn sóng biểu tình phản chiến dậy lên nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, bài hát trở nên nổi tiếng, nhất là sau đó được trích làm nhạc nền cho bộ phim “Áo giáp sắt” của điện ảnh Mỹ.

Trong đó có đoạn ca từ ấn tượng: “I hope and pray someday the world will learn, that fires we don’t put out will bigger burn. We must save freedom now at any cost... or someday our own freedom will be lost” (Tôi hy vọng và cầu nguyện một ngày nào đó thế giới sẽ biết được rằng những ngọn lửa mà chúng ta không dập tắt sẽ bùng cháy lớn hơn. Chúng ta phải cứu tự do ngay bây giờ bằng bất cứ giá nào ... hoặc một ngày nào đó tự do của chính chúng ta sẽ bị mất).

Bản nhạc thứ hai là “Bonjour Vietnam” bằng tiếng Pháp của nhạc sĩ Marc Lavoine sáng tác năm 2005, được Guy Balbert dịch sang tiếng Anh với tên “Hello Vietnam”. Bản này được Phạm Quỳnh Anh, người Bỉ gốc Việt biểu diễn đầu tiên.

Tiếng hát của Quỳnh Anh từng vang lên ở nhiều nước Âu, Mỹ, và xuất hiện trong chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập Phòng thương mại châu Âu (EuroCham), tổ chức tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon vào tháng 11.2008.

Như sự tiếp nối hình ảnh của một đất nước từ chiến tranh đến hòa bình, hai bản nhạc “Xin chào Việt Nam” thể hiện các gương mặt và cảm xúc ở những thế hệ khác nhau.

Ở bản thứ hai của Marc Lavoine, lấy cảm hứng từ câu chuyện một người trẻ gốc Việt là Quỳnh Anh, khát khao tìm về cội nguồn, nên ca từ thật da diết gắn với những biểu tượng làm rung động lòng người:

“Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời. Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết, về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ...

Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá.

Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa.

Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh, tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha...

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi.

Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam” (Đào Hùng, dịch).

Âm nhạc có một sức mạnh diệu kỳ, có thể kết nối hàng triệu trái tim trên khắp thế giới hướng về cội nguồn xứ sở quê hương. Và hình ảnh đất nước, tiếng gọi Việt Nam sẽ được quảng bá, lan xa không gì sánh nổi.

Như “Hello Vietnam” với giọng hát Quỳnh Anh cũng đã phổ biến trên mạng toàn cầu. Vì vậy, cuối tuần này, nhân dịp khai mạc Năm du lịch quốc gia - 2022 tại Quảng Nam, lại muốn nghe lại bản nhạc ấy ngân lên với giai điệu lắng sâu hồn người.

Kể thêm chút nữa về Phạm Quỳnh Anh, tiếng hát của cô gái người Bỉ gốc Việt, sinh năm 1987 này đã lay động con tim hàng triệu kiều bào, và cô được chào đón trở lại thăm thú cội nguồn cảnh cũ quê xưa đôi lần.

Trong một bài viết trước ngày Quỳnh Anh về Việt Nam lần đầu, nhà báo Đặng Ngọc Khoa đã “bật mí” một thông tin thú vị - cha của Quỳnh Anh là người Quảng Nam, đi du học Bỉ từ năm 1971.

Chính người cha này, với giọng Quảng “đặc sệt” đã phiên dịch giúp Quỳnh Anh để cung cấp thông tin cho Đặng Ngọc Khoa viết bài báo khá xúc động - “Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh: Xin chào Việt Nam!” đăng trên báo Thanh niên tháng 11.2008. Một ngày nào đó, khi Quỳnh Anh có dịp trở lại thăm quê cha của mình, mong cô sẽ có bài hát “Xin chào Quảng Nam” để thêm yêu một miền quê thương nhớ!

BẢO TRÂN