Tự tình tháng Chạp

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/01/2022 03:57

Vào giữa tháng Chạp rồi, thời gian như trôi nhanh hơn, chẳng mấy nữa là hết năm Tân Sửu.

Vội vã, hối hả là nhịp điệu của người người lao động, nhà nhà buôn bán. Tất cả đều cố gắng, đến mướt mồ hôi để kiếm đồng ra đồng vào sắm sửa cho cái tết sau mấy bận dịch giã, còn đang lo với biến thể mới của Covid rập rình quanh đây.

Nông dân ra đồng giặm lúa sạ, cào cỏ, chăm mấy luống rau đợi phiên chợ cuối năm...

Công nhân thì vào ca, tăng ca cho kịp đơn hàng và ngóng tháng lương 13 cùng quà thưởng tết. Tin vui là dù dịch vây bủa nhưng các doanh nghiệp ở Quảng Nam công bố thưởng Tết Nhâm Dần - 2022 với mức khá cao, cao nhất tới 492,6 triệu đồng/người.

Tính bình quân mức thưởng được 7,2 triệu đồng/người (cao hơn tết năm ngoái gần 25,5%). Đây quả là sự cố gắng lớn vì trong năm Tân Sửu, trên địa bàn toàn tỉnh có 609 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, có 237 ca F0 và 1.567 là F1 trong công nhân, viên chức, người lao động.

Nhìn lại bức tranh năm 2021, thấy rằng cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực phi thường. Cùng với việc Nhà nước đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ (ở Quảng Nam có gần 4,7 nghìn doanh nghiệp, gần 188 nghìn người lao động được hỗ trợ hơn 126,5 tỷ đồng), nhờ đó đã cơ bản duy trì, thúc đẩy được sản xuất, góp phần cho tăng trưởng dương của nền kinh tế.

Nói chuyện làm ăn sẽ còn dài, vậy nên lai rai trở lại với tự tình tháng Chạp để tìm thấy những kỳ vọng cho năm mới rộn rã sắc xuân. Mang chút xuân tươi ra hải đảo hay lên miền rừng, từng gói quà đã chuyển đến chiến sĩ đang canh giữ biên cương. Ở miền biên viễn xa xôi như Tây Giang, huyện cũng dành gần cả tỷ đồng sắm quà tết cho người có công, trẻ em tàn tật, đối tượng bảo trợ xã hội…

Đặc biệt tết là tình là nghĩa, nên Tây Giang còn chuẩn bị 12 tấn gạo, gần 1 tấn muối, 480 lít dầu ăn, 480 ký cá khô, 480 ký mì chính, 480 thùng mì cùng nhiều loại thuốc men để tặng cho nhân dân các bản giáp ranh của Lào chia vui cùng tết Việt. Quả như người xưa hay nói tháng Chạp là tháng Quý Đông, hay “lạp nguyệt” tức chỉ việc lo tích trữ thực phẩm để chống chọi với mùa giá rét, ướp thịt để dành ăn ra cả tháng Giêng, Hai.  

Lạp nguyệt trong văn hóa Á Đông, chuyển thành cách nói của người Việt là Chạp. Khoảng giữa đầu tháng Chạp, việc chạp mả cũng diễn ra ở nhiều nhà thờ tộc họ, là dịp để con cháu “cúng hương” lo tu tảo phần mộ ông bà.

Và rồi tên gọi tháng Chạp cũng mất dần luôn vào sau ngày 20, khi cúng tất niên, cáo đất đai xong, sẽ chỉ gọi ngày theo tết, như 23 tết, 24 tết đến… 30 tết. Đây cũng là thời đoạn mà người Việt sẽ dành thời gian sửa sang, vệ sinh nhà cửa, trang trí bàn thờ gia tiên, gói các loại bánh trái; đồng thời đi thăm mồ mả ông bà tổ tiên, dọn cỏ, quét vôi cho “ngôi nhà” những người đã khuất được tươi mới.

Tháng Chạp cũng gợi nhớ cho những người đi xa trở về ở ngôi nhà đoàn tụ trên quê hương. Đứa con nào ở nơi xa cũng muốn trở về bên mẹ nên có thơ Lý Thừa Nghiệp ví von tháng Chạp như người mẹ: “Tháng Chạp, mẹ già như lúa chín... /Tháng Chạp, mẹ già như hoa nở.../Tháng Chạp, mẹ già như hương nắng...”. Đó là những anh trai già qua tuổi trung niên nhớ mẹ, còn giới trẻ giờ đây thì thích kiểu Đen Vâu với câu hát thành trào lưu “đừng mang ưu phiền về cho mẹ!”.

Chợt nhớ cố thi nhân Bùi Giáng, một người Quảng đích hiệu, lang thang qua bao tháng Chạp ở phương Nam, để rơi hai câu thơ thăm thẳm hồn người tự tình:

Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
Âm trang sử lịch thu triền miên trôi…

NGUYỄN ĐIỆN NAM