Hình tượng tre, ngoại giao và văn hóa

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/12/2021 07:20

Từ xứ Quảng đến rất nhiều nơi trên xứ Việt này đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây tre. Tác phẩm nổi tiếng của Thép Mới và bài thơ của Nguyễn Duy đã dẫn dắt ta đi qua bao nhiêu cảm xúc và giá trị minh triết về Cây tre Việt Nam. Không ngoa, đó là biểu tượng của văn hóa, làng quê, tâm hồn người Việt.

Tre, đa dạng tên gọi và công dụng của bao sản phẩm được chế tác, gắn bó sâu sắc từ thuở nằm nôi đến khi trở về nguồn cội.

Tre, không gian sinh tồn đẫm sắc màu tự nhiên. Rồi từ đặc tính, hình ảnh của một loài cây được đem ví von trong giao tiếp, đúc kết những giá trị bản sắc văn hóa ứng xử. Rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, chuyện cổ tích… giăng mắc bóng tre như chở che tâm tình con người.

Vậy nên, khi nghe phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị đối ngoại toàn quốc, nói về phương châm và triết lý của đường lối ngoại giao như cây tre Việt Nam, lại bật lên nhiều liên tưởng thú vị.

Bài phát biểu đã khẳng định “chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam,” “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến,” “lạt mềm buộc chặt”!”.

Từ nhận định đó, Tổng Bí thư đã nêu ra một định hướng cơ bản xuyên suốt là: “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”!”.

Để kiểm định thành tựu của một trường phái ngoại giao không thể nói hết trong bài phát biểu hay bài báo nào. Chỉ cần biết rằng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi điện, thư, lời kêu gọi các nước đồng minh với mong muốn được họ công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, song không được đáp ứng.

Do vậy, trong lễ mít tinh trước Nhà hát thành phố Hà Nội (ngày 7.3.1946), Hồ Chủ tịch nói: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng 8 năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta”.

Dẫn thêm thời điểm không xa, cách đây 30 năm Việt Nam mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay con số đã lên tới 230 nước và vùng lãnh thổ. Có thể nói một cách hình tượng, thông qua ngoại giao, nhân loại đã quen với hình ảnh “Cây tre Việt Nam”, nhìn nhận một dân tộc có nền độc lập, tự chủ, có dáng đứng và vị thế riêng trên trường quốc tế.

Mỗi cán bộ, lãnh đạo địa phương đến từng người dân xứ Việt thẩm thấu giá trị chung của bản sắc văn hóa và giá trị  đó mà ứng xử qua các kênh ngoại giao khác nhau là điều cần phải lưu tâm.

Thực tế, cũng như cây tre, công tác đối ngoại vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Như tre bị mắt kiến hay cụt ngọn, giòn, dễ gãy, thì đâu đấy vẫn thấy còn có một số cán bộ làm ảnh hưởng xấu hình ảnh quốc thể khi đi ngoại giao.

Hay như việc quản trị thương hiệu quốc gia nhiều lúc còn lơ là, sơ sẩy gây nên dư luận ồn ào. (Đơn cử là vụ để một công ty nhận vơ bản quyền phát sóng quốc ca trong một trận bóng đá quốc tế vừa qua).

Để hình tượng “Cây tre Việt Nam” đẹp trong mắt bè bạn năm châu cần phải luôn giữ gìn, tích cực vun đắp, chứ không thể chủ quan! 

NGUYỄN ĐIỆN NAM