Trượt vỏ chuối
Câu chuyện của bà Truyện ở Phú Ninh được hỗ trợ thiệt hại 2 nghìn đồng từ 10 mét vuông trồng chuối, lan truyền trên báo chí và mạng xã hội quả là… tội nghiệp. Nhiều tờ báo có độ phủ độc giả rộng rãi như Tuổi trẻ, Lao động, Người lao động, VnExpress… đều đưa tin hoặc bình luận. Công cụ tìm kiếm trên Google cho kết quả hàng nghìn lượt người truy cập cụm từ “hỗ trợ 2.000 đồng” trong mấy chục giây. Thật đáng phải suy nghĩ!
Vì sao lại có chuyện lạ lùng vậy? Rõ là vấn đề không đơn giản ở chỗ hỗ trợ ít hay nhiều cho những thiệt hại do bão lũ gây ra năm 2020. Thống kê toàn xã Tam Vinh (Phú Ninh) có 588 trường hợp được hỗ trợ thiệt hại về cây trồng (bão số 6: 204 trường hợp; bão số 9: 384 trường hợp), trong đó có 31 trường hợp được hỗ trợ với mức dưới 10.000 đồng.
Mức hỗ trợ dựa trên nghị định của Chính phủ không gì sai, nhưng sai là ở cách ứng xử với người dân. Sao lại để dân chờ đợi “cả năm” rồi đến trụ sở chính quyền nhận tiền phải chờ thêm mấy tiếng đồng hồ?
Rồi nữa, chẳng ai tự cảm và hỏi khi đưa ra giấy mời, rằng với vài đồng cỏn con như thế đâu đủ mua… một trái chuối lót dạ để ngồi chờ nhận? Xét ở khía cạnh truyền thông có thể xem đây là cú trượt vỏ chuối làm chấn thương hình ảnh vùng đất con người. Đau là chỗ đó!
Để hình dung tác động tiêu cực do khủng hoảng truyền thông từ vụ này, cần xem thêm các bình luận trên báo chí. Có nhà báo nhận xét: “Chính quyền mất mát, tổn hại thanh danh dù trên nguyên tắc là đang hỗ trợ, đang giúp đỡ dân. Ngay chính sách an sinh nữa, sự máy móc - lạnh lùng đến quan liêu ấy, đang trở thành một bức xúc, trớ trêu - đáng lẽ không nên có”.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao đánh giá: “Sự sâu sát của cán bộ để khảo sát chính xác thiệt hại của từng hộ, dù chỉ với vườn chuối 10 mét vuông là tốt. Song, cách làm lại xa rời cuộc sống, thể hiện sự máy móc, hình thức trong thực thi chính sách (Saadi Salama).
Một mồi lửa nhỏ có thể làm nên đám cháy lớn. Một hành vi bất cẩn và hờ hững vô tâm vô ý quăng vỏ chuối ra có thể dẫn đến tai nạn chấn thương vì cú trượt té đau. Đặc biệt đối với quê hương đất Quảng vốn nổi tiếng là “chưa mưa đà thấm”, con người mộc mạc mà nghĩa nặng tình sâu, khó thể chịu nỗi rầu lòng thế. Còn nói về thực thi công vụ, dù có cải cách nền hành chính hiện đại tới đâu mà cán bộ như máy móc vô hồn sẽ không ổn việc gì cả.
Trong bối cảnh cả xã hội đang gồng mình chống chịu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, việc triển khai các chính sách hỗ trợ cần phải kịp thời, công tâm, và chu đáo. Chúng tôi thấy cũng cần cảnh báo thêm việc phòng ngừa những tình huống “trượt vỏ chuối” tương tự có thể xảy ra trong tương lai gần.
Chẳng hạn, về triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh. Đã có khoảng 170 nghìn người thuộc nhóm lao động và hộ kinh doanh được nhận tiền, nhưng cũng còn khá nhiều người chưa được hỗ trợ mà thời hạn thực hiện chính sách chỉ còn chưa đầy tháng nữa.
Vừa rồi, tỉnh kiểm tra, làm việc với nhiều địa phương thì thấy còn lùng nhùng, nên đã yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương phải ký cam kết với UBND tỉnh sau ngày 31.12 không còn người nào ở địa phương thuộc diện nhận hỗ trợ nhưng chưa được nhận, nếu có đơn thư khiếu nại thì địa phương chịu trách nhiệm.
Để tránh trượt vỏ chuối, sẽ luôn cần sự tận lực, tận tâm và tinh tế trong ứng xử của những người có trách nhiệm thực thi chính sách hỗ trợ cho dân. Mạng xã hội và báo chí cũng dễ la rân lên thành hiệu ứng đám đông khi thấy những hình ảnh và hành động phản cảm. Nên cẩn tắc vậy!