Lỗi nhịp với công nghiệp văn hóa

ĐĂNG QUANG 28/11/2021 07:23

Tuần qua diễn ra sự kiện mang tầm quốc gia là “hội nghị Diên Hồng” về văn hóa. 

Tại hội nghị này, có một báo cáo khá dày về “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” (sau đây gọi tắt là Báo cáo văn hóa).

Như kiểu thông thường, Báo cáo văn hóa dành dung lượng lớn nói về thành tựu. Nhưng điều gây chú ý với người viết bài này là có khoảng 5 trang trong báo cáo nhận diện khá sắc nét những mặt hạn chế, yếu kém trong phát triển văn hóa.

Quá nhiều vấn đề! Riêng chuyện công nghiệp văn hóa có nhận định là “chậm phát triển, quy mô nhỏ, hoạt động yếu ớt”.

Có thể diễn dịch ra đó là sự lỗi nhịp của công nghiệp văn hóa của nước ta so với ngay trong Đông Nam Á, châu Á. Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia… đã tiến khá xa, ngày càng chuyên nghiệp, bắt kịp với trào lưu thị trường văn hóa thế giới.

Trong khi đó, Báo cáo văn hóa nêu rằng “sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam chất lượng chưa cao nên hiện khó vào được thị trường văn hóa ở nhiều nước”. Như thế thì không có gì ngạc nhiên với nhận xét “sản phẩm công nghiệp văn hóa ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh hạn chế, chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, có dấu hiệu bị sản phẩm công nghiệp văn hóa nước ngoài lấn lướt ngay ở thị trường nội địa”.

Đáng chua xót, có lẽ vì hạn chế đó mà Báo cáo văn hóa cho biết hiện tượng “nhập siêu văn hóa” kéo dài, trong khi thị trường văn hóa của ta “manh mún, tự phát, thiếu chuyên nghiệp” thậm chí “có lĩnh vực đang bị nghiệp dư hóa”.

Sự lỗi nhịp của công nghiệp văn hóa có phần quan trọng do chậm trễ về nhận thức. Năm 1944, thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” (the culture industry) đã xuất hiện trong cuốn sách Dialectic of Enlightenment của hai nhà nghiên cứu người Đức là Adorno và Horkneimer.

Năm 1982, UNESCO đã đưa ra nhận định “công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn…”.

Nhưng Việt Nam, phải đến 2014, mới đề cập chính thức và vạch ra định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trong Nghị quyết 33-NQ/TW; năm 2016 mới có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định số 1755/QĐ-TTg cũng xác định phát triển công nghiệp văn hóa gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, do độ trễ triển khai chính sách nên việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa “đang ở bước khởi động, chủ yếu mới dừng ở chương trình, kế hoạch, đề án”… mà thôi.

Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, ngoài việc xây dựng hành lang pháp lý, thể chế, chính sách và đầu tư của nhà nước, vấn đề quan trọng hơn là huy động nguồn lực xã hội.

Thực tế doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này còn yếu và chưa mặn mà, lại thêm nạn làm ăn theo kiểu xin cho, cò kéo. Đồng thời “chất lượng nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hóa của nhà nước còn thấp”, nên khó có sản phẩm chất lượng cao.

Lỗi nhịp, khiến cho “miếng bánh” Việt Nam kiếm được trong nền công nghiệp văn hóa thế giới khá ít ỏi. Trong khi đó, thống kê của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm cả du lịch văn hóa) xấp xỉ 4,04% so với tổng doanh thu toàn cầu và đem lại việc làm cho 2,21% tổng số lao động toàn nhân loại.

ĐĂNG QUANG